Việc xin lỗi rất đáng hoan nghênh, nhưng cần đi đôi với những hành động thiết thực, chứ không thể chỉ dừng lại ở lời xin lỗi hay bao biện.

Screen Shot 2019 01 10 at 2.05.49 PM
(Ảnh minh hoạ)

Ngày 8/1, 4 ngày sau khi xảy ra sự việc xe công vụ vào khu vực đặc biệt của sân bay Nội Bài đón phu nhân của một vị Bộ trưởng, Bộ trưởng đó đã chính thức công khai viết lời xin lỗi công luận.

Bức thư đã gửi lời xin lỗi tới toàn bộ hành khách có mặt trên chuyến bay, đặc biệt gửi lời xin lỗi tới “Nhân dân, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong Bộ”.

Ông này cũng coi đó là “một bài học sâu sắc” cho cá nhân, gia đình và Bộ do ông phụ trách.

Sự việc đã tạo dư luận lớn trong nước, không phải vì đây là một thứ đặc quyền đặc lợi mới xảy ra và mới bị phát hiện, nhưng có thể coi là lần đầu tiên liên quan đến một quan chức to bị chỉ mặt điểm tên công khai trên mặt báo.

Sau những lời chỉ trích, bức thư xin lỗi của Bộ trưởng xuất hiện và ngay lập tức tạo thành một làn sóng dư luận khác mang nhiều niềm tin và phấn khởi vì lần đầu tiên một quan chức lớn lên tiếng nhận trách nhiệm, một việc được coi là hiếm hoi ở đất nước bấy lâu. Đó là một tín hiệu tốt.

Người dân vui mừng cũng đúng, bởi lời xin lỗi đã mang tới cảm giác tiếng nói của mình được lắng nghe và tôn trọng. Đó là một sự tiến bộ trong thái độ ứng xử của quan chức. Nhất là khi bức thư xin lỗi đặt “Nhân dân” lên trước tiên, khiến người dân cảm thấy quyền lực thật sự đã trở về với mình. Do đó, mọi lỗi lầm đều được tha thứ.

Sự rộng lòng luôn là một điều đáng quý trong đối nhân xử thế giữa người với người, nhưng khi liên quan tới trách nhiệm và nghĩa vụ đối với xã hội, nó cần phải thêm cả lý trí và công minh. Nếu chỉ một lời xin lỗi trước sức ép dư luận mà những sai trái được “xí xoá” tất cả, điều đó sẽ không thể là nền tảng cho một xã hội được điều hành dựa trên luật pháp. Tinh thần thượng tôn pháp luật tất yếu sẽ bị xói mòn.

Luật cán bộ công chức quy định rõ những điều cán bộ công chức không được làm, trong đó cán bộ công chức không được lợi dụng vị trí, ảnh hưởng của mình để mưu cầu lợi ích riêng. Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ quy định không để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Còn Đề án Văn hóa công vụ nghiêm cấm cán bộ, công chức việc nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng.

Sử dụng tài sản công sai mục đích tạo thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đó chính là tư lợi riêng từ tiền thuế của dân. Với người là tư lệnh một ngành, trách nhiệm của vụ việc càng lớn. Ở nhiều nước trên thế giới, nếu vướng vào vụ tương tự, rất có thể người đương nhiệm sẽ phải từ chức.

Tại Mỹ, ông Tom Price, cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh đã phải từ chức vào hồi tháng 9 năm ngoái khi bị phát hiện sử dụng máy bay tư nhân đi công tác. Ngoài xin lỗi và từ chức, ông Price đã phải nộp 60.000 đô bồi thường.

Tại Nhật, vào tháng 6/2016, Thống đốc Tokyo Yoichi Masuzoe từ chức sau bê bối sử dụng công quỹ chi tiêu riêng vào các kỳ nghỉ cá nhân. Năm 2014, Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Yuko Obuchi từ chức sau bê bối chi tiêu sai mục đích quỹ chính trị.

Còn tại Việt Nam, Nghị định 192/2013/NĐ-CP Quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã quy định, hành vi sử dụng tài sản là xe ô tô; tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu.

Như vậy, ngoài lời xin lỗi, thiết nghĩ Bộ trưởng nên tuân thủ pháp luật và tiến hành nộp phạt, khắc phục hậu quả, xem xét trách nhiệm những cá nhân liên quan. Việc xin lỗi rất đáng hoan nghênh, nhưng cần đi đôi với những hành động thiết thực, chứ không thể chỉ dừng lại ở lời xin lỗi hay bao biện như Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Nội vụ đã nhận xét về vụ việc là “do sơ suất của anh em tham mưu, suy nghĩ chưa chín chắn”.

Người dân Việt Nam vốn có tính cách dễ hài lòng trong khi lại cảm tính trong tư duy và hành động. Nhiều người dễ dàng đánh giá sự việc qua hình thức bề ngoài, dễ bị mủi lòng, dễ thỏa hiệp, do đó thiếu đi lý trí để phản biện xã hội. Những sai lầm trong quản trị, đất đai, khiếu kiện v.v. nhiều khi chỉ cần vài giọt nước mắt, bức tâm thư… là nhanh chóng đấu dịu được dư luận.

Cũng tương tự như sự việc này, việc lạm dụng quyền lực cần phải được xử trí nghiêm minh, rõ ràng trên nền tảng luật pháp. Nếu người dân không ý thức được vai trò của mình và có những đòi hỏi chính đáng, chính họ cũng góp phần duy trì và dung túng cho “nước mắt cá sấu” tiếp tục tuôn rơi.

Lê Xuân

Xem thêm: