TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng xe máy là cần câu cơm của người dân, là phương tiện với nhiều ưu điểm. Đề xuất cấm xe máy, trong khi giao thông công cộng mới đáp ứng được 8-10%.

un tac giao thong ha noi
Hà Nội sẽ cấm xe máy vào năm 2030. (Ảnh: shutterstock)

Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu để trình UBND, HĐND thành phố đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho hay chính sách hạn chế phương tiện cá nhân đã đề cập gần chục năm nay, nhưng vẫn chưa thấy khả thi.

Đề xuất của Hà Nội đang dừng ở mức mong muốn nhiều hơn, hiệu quả phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Hà Nội. Câu hỏi đơn giản nhất là cấm thì người dân đi lại bằng gì?” – ông Đức đặt vấn đề và nói thêm “nếu trả lời không được thì không cấm được xe máy”.

Cũng theo ông Đức, đặc điểm của Hà Nội là ngõ ngách rất dài, dích dắc nên xe buýt không thể vào sâu; đất dành cho giao thông, cũng như giao thông công cộng tại các quận trung tâm rất thiếu; những khu đô thị mới mọc lên không theo định hướng sử dụng giao thông khi cả khu lên tới vài chục nghìn dân chỉ có 1 bến xe buýt nhỏ, hay một con đường gánh quá nhiều chung cư, khu đô thị,…

Do đó, đề xuất thì dễ, nhưng tổ chức thực hiện thì cực kỳ phức tạp” – ông Đức nói.

Còn TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông – người đã nhiều lần phản đối đề xuất cấm xe máy cho rằng xe máy không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông.

Hà Nội với đà tăng ô tô như hiện nay, tới năm 2030, ô tô có thể tăng tới 2 – 3 triệu xe, tràn ngập đường phố, mới trở thành tác nhân chính gây ùn tắc và ô nhiễm, chứ không phải xe máy” – ông Thủy nói.

Ông Thủy cho hay hiện nay có khoảng 70-80% người dân đi xe máy vì có nhiều ưu điểm như: Hợp với túi tiền của người dân, không phải ai cũng mua được ô tô; Xe máy đi linh hoạt, chiếm mặt đường ít nên gây ùn tắc ít, gây ô nhiễm ít hơn ô tô (chỉ bằng 1/5 hoặc 1/10).

Ngoài ra, xe máy là cần câu cơm của hàng vạn gia đình người dân Việt Nam. Trong khi giao thông công cộng mới đáp ứng được 8-10%.

Nếu cấm xe máy thì 90% người dân đi bằng gì?” – ông Thủy đặt câu hỏi. Ông Thủy cũng không đồng ý về lý do cấm xe máy là vì xe máy làm bẩn, làm nhếch nhác thành phố.

Theo ông Thuỷ, vấn đề cần làm trước của Hà Nội là phát triển hệ thống giao thông công cộng đủ sức hút, để người dân tự động bỏ xe máy thay vì cấm bằng biện pháp hành chính.

Tới năm 2030, Hà Nội mới chỉ khoảng 3 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, nếu tính cả xe buýt, mới đáp ứng được 20 – 30% nhu cầu đi lại của người dân. Chỉ khi giao thông công cộng thuận lợi, hạ tầng giao thông thông thoáng, đáp ứng được trên 40 – 45% nhu cầu người dân thì mới có thể dùng biện pháp hành chính như tăng phí, ngày chẵn ngày lẻ” – ông Thủy cho hay.

Trước đó năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã làm dậy sóng dư luận khi ban hành Quyết định số 5953 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030“.

Theo Đề án này, để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn, tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50% đến 55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.

Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20% đến 26% cho đô thị trung tâm; đạt từ 18% đến 23% cho các đô thị vệ tinh và đạt từ 16% đến 20% cho các thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt từ 3% đến 4%.

Để đạt được mục tiêu trên, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và chia thành nhiều giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 2017 – 2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017 – 2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017 – 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Mới đây, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vào ngày 9/3, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện đã đề cập tới việc sẽ sớm xây dựng lộ trình cấm xe máy ở các quận vào 2030 và triển khai việc thu phí phương tiện vào nội đô. Ông Viện cho rằng “cấm được xe máy càng sớm càng tốt”.

Kim Long

Xem thêm: