Sau khi phiên sơ thẩm vụ án “cướp và cướp giật tài sản” (“cướp” tài sản của chính mình) do Tòa án Nhân dân TP Thái Nguyên tiến hành xét xử kết thúc, các bị cáo có 15 ngày kháng cáo, tính từ ngày 11/4.

Đáng chú ý, theo thông tin phản ánh từ gia đình các bị cáo, hiện người thân không được gặp các bị cáo. Việc này là trái với Điều 8, Điều 9, Điều 13, Điều 20, Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.

Như diễn biến đã trình bày, hiện vụ án tập trung sự chú ý của dư luận không chỉ bởi việc khép tội, xử án có quá nhiều khuất tất, thiếu minh bạch, mà còn bởi hàng loạt các hành động đe dọa, vu khống, thậm chí bạo lực từ phía cơ quan chức năng đối với nhiều người dân không liên quan.

Hàng loạt vấn đề gây thắc mắc được đặt ra, như vì sao một phiên tòa được tuyên bố tổ chức công khai, song lực lượng công an giao thông, công an an ninh, người mặc thường phục đứng chặn các ngả đường vào tòa án còn nhiều hơn lực lượng an ninh làm nhiệm vụ giữ trật tự trong phiên tòa?

Thậm chí trước ngày xử án, công an lại tới nhà dân ngăn cản người dân tham dự, đồng thời nói Pháp Luân Công bị cấm?

Vì sao tòa án xét xử một việc (hành vi “cướp và cướp tài sản”) nhưng bên ngoài trụ sở lại có loa phát nội dung phỉ báng việc khác? Thậm chí ngay trong ngày 11/4, nhiều người dân tập Pháp Luân Công bị hành hung dù họ không gây mất an ninh trật tự, không có bất kỳ hành vi phạm pháp.

Những sự việc gây mâu thuẫn trên khiến dư luận không khỏi hồ nghi về một sự việc không đơn thuần chỉ là vụ án “cướp và cướp giật tài sản”. Toan tính nào đằng sau việc một sai phạm dân sự lại nhanh chóng bị các cơ quan tố tụng tiến hành “hình sự hóa”, tuyên án sơ thẩm gần 9 năm tù đối với 4 công dân? Những điều này cần được làm rõ, vì quyền tự do, quyền bảo vệ thân thể đã được xác lập trong Hiến pháp không chỉ đối với 4 công dân đang bị tuyên án, tạm giam mà còn đối với số phận của hàng chục triệu con người.

cuop tai san cua chinh minh
Trái: Bốn công dân bị khép tội Cướp tài sản và Cướp giật tài sản trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 11/4/2018 (Ảnh: baothainguyen.org.vn); phải: Tái hiện hành động “cướp” trống, trong thực nghiệm điều tra của CA TP Thái Nguyên (Hình ảnh: thainguyentv.vn)

1. Chủ tọa ngắt lời, bỏ qua tình tiết quan trọng

Theo lời chứng của anh Trịnh Quang Thắng (SN 1977) và bà Nguyễn Thị Xìu (SN 1955), việc tập trống vào khoảng 19h ngày 29/7/2017, tạo mức độ ồn bình thường. Cùng thời điểm đó, tại quảng trường, xung quanh có nhóm mở loa tập aerobic, tiếng nhạc rất lớn.

Tuy nhiên, sau khi tập được khoảng 10-15’, một nhóm người tới mở điện thoại ra quay, quay xong quát bắt tắt đài, không được tập. Vài người khác giữ trống của anh Thắng. Trong nhóm người, bà Xìu nhận ra có một công an mặc thường phục, tên là Hưng, là công an phường Cam Giá. Một lát sau, một ô tô đến, trên xe có 2 người mặc cảnh phục, những còn lại mặc đồ dân thường, cưỡng chế đưa bà Trần Thị Ngọc (SN 1951) cùng đồ tập (2 trống, 1 loa) về trụ sở công an phường Trung Vương. Tại đây, tới 21h xảy ra sự việc người dân lấy lại trống, loa, khiến ngay trong đêm, Công an TP Thái Nguyên tiến hành “triệu tập”, đưa người đi tạm giữ nhiều ngày, sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 công dân vì hành vi Cướp tài sản và Cướp giật tài sản.

Tình tiết công an phường Trưng Vương thu giữ tài sản và cưỡng chế người dân tại quảng trường, đưa về trụ sở công an phường là một nội dung quan trọng trong vụ án. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 11/4, chủ tọa liên tục ngắt lời, yêu cầu bỏ qua khi các bị cáo và nhân chứng bắt đầu trình bày về chi tiết này. Chủ tọa chỉ cho phép trình bày vụ việc bắt đầu từ thời điểm khoảng 21h ngày 29/7/2017, tại trụ sở công an phường Trưng Vương. Theo Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, vụ án hình sự phải được xét xử dựa trên nguyên tắc xác định sự thật của vụ án.

Ngoài ra, trong những lời thoại, chủ tọa có dùng nhiều lần từ “lấy lại cái trống, lấy lại cái loa, lấy lại tài sản bị giữ“. Điều này cho thấy việc khép tội cướp và cướp giật đang bị áp đặt khiên cưỡng, thiếu logic và nhất quán. Bởi theo nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự, chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm tiến hành xét hỏi đúng đắn, đầy đủ, không hỏi mớm, không ngắt lời trình bày, lời khai của những người bị hỏi để đảm bảo tính chất khách quan, tính toàn diện của việc xét hỏi tại phiên tòa. Không những thế chủ tọa phiên tòa còn yêu cầu người bị hỏi chỉ nói những gì “có liên quan trong hồ sơ”.

vu an tap trong tai thai nguyen 1
Dựng lại hiện trường “cướp” trống, trong thực nghiệm điều tra của CA TP Thái Nguyên. (Hình ảnh: thainguyentv.vn)

 

2. Cố tình khép tội để tăng nặng khung hình phạt?

Quay lại sự việc xảy ra lúc 19h ngày 29/7/2017. Theo xác nhận của các nhân chứng có mặt tại hiện trường, công an đã không lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ tang vật, trực tiếp cưỡng chế đưa người và tài sản (trống, loa) về trụ sở phường. Điều này là trái với Khoản 5 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012: “Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản“.

Cần nói rõ việc người dân sinh hoạt văn hóa có nhạc, trống, là tương tự như các sinh hoạt văn hóa khác (như khiêu vũ, aerobic, cầu lông, đá bóng…) vẫn thường diễn ra tại khu vực công cộng, khi không có sự kiện gì cần giữ trật tự thì không phải là việc “cổ động”, không cần phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được thực hiện. Do đó, việc nhóm công dân trên bị xử lý vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền”, là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. 

vu an tap trong tai thai nguyen
Hình ảnh tập trống ôn hòa, vui vẻ.

Việc tiến hành xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ tài sản không rõ lý do, không giải thích sai phạm, rồi bỏ lửng người dân ngồi tại trụ sở tới 21h đêm khiến người dân có phản ứng tự lấy đồ của mình ra về là điều dễ hiểu. Thế nhưng, dựa vào hành động tự lấy đồ về, cơ quan công an đã khép tội Cướp tài sản đối với Vũ Thị Huyền và Trần Kim Chung; dựa vào hành động gỡ tay người nữ cán bộ trực ban, cơ quan công an khép tội Cướp giật tài sản đối với bà Trần Thị Ngọc và bà Trần Thị Tiến.

Có thể nói cách hành xử này của nhóm công dân trong hoàn cảnh nói trên là không đúng đắn, tuy nhiên, hành vi lấy lại tài sản đang bị thu giữ trái luật là không cấu thành tội Cướp tài sản và Cướp giật tài sản, không cấu thành tội phạm.

Theo quy định của luật Hình sự thì tội Cướp tài sản là loại tội rất nghiêm trọng (khoản 1 Điều 168 có khung hình phạt 3-10 năm tù giam) còn tội cướp tài sản là tội nghiêm trọng (khoản 1 Điều 171 có khung hình phạt 1-5 năm tù). Thực tế, kết thúc phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Thái Nguyên đã tuyên Trần Thị Ngọc và Trần Thị Tiến lần lượt 42 tháng tù giam và 36 tháng tù về tội Cướp giật tài sản; Vũ Thị Huyền và Trần Kim Chung lần lượt 15 tháng tù giam và 12 tháng tù giam tội Cướp tài sản. Như vậy người bị xét xử tội rất nghiêm trọng thì bị phạt tù nhẹ hơn người bị xét xử về tội nghiêm trọng, chuyện gì đã xảy ra với tòa án vậy?

Một sai phạm dân sự nhanh chóng bị các cơ quan tố tụng tiến hành “hình sự hóa”, và tuyên án sơ thẩm gần 9 năm tù đối với 4 công dân – liệu đó có đơn giản là cách xử lý sơ suất của cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng TP Thái Nguyên?

3. ‘Triệu tập’ khẩn cấp người không liên quan

Nếu đã xét đến tính “sơ suất” tới mức trấn áp người dân thì cần phải nhắc đến việc cơ quan công an TP Thái Nguyên đã “triệu tập” khẩn cấp và tạm giữ dài ngày đối với cả những người không có mặt tại hiện trường vụ việc lấy trống và loa.

Khi công an thu giữ trống và loa tại quảng trường, cưỡng chế đưa bà Ngọc về trụ sở phường vào tối 29/7, bà Xìu và anh Thắng là nhân chứng có mặt tại hiện trường. Theo xác nhận của bà Xìu và anh Thắng, tại trụ sở phường Trung Vương, công an đã yêu cầu một số người khai thông tin cá nhân và ký xác nhận (trong đó có anh Thắng, bà Xìu). Sau đó mọi người trở về nhà.

Tuy nhiên, khoảng 12h đêm ngày 29/7, công an TP Thái Nguyên, công an phường và tổ dân phố bất ngờ đến nhà bà Xìu đọc giấy triệu tập, yêu cầu bà đi ngay trong đêm đến trụ sở Công an TP Thái Nguyên. Bà Xìu xác nhận đã bị tạm giữ 3 ngày, 3 đêm, bị bắt viết tường trình, diễn biến sự việc. Bà Xìu cho hay, ngày đầu tiên, công an đưa một phụ nữ có thai tới nói là để người bị hại nhận dạng vụ việc ngày 29/7/2017. Khi nhìn thấy bà Xìu, người phụ nữ khẳng định: “Đúng bà rồi, bà là người vào lấy trống và đẩy tôi”. Điều phi lý là bà Xìu không hề có mặt tại hiện trường khi 4 cá nhân kể trên vào phòng tiếp dân lấy lại trống và loa.

 

Tương tự trường hợp bà Xìu, anh Thắng cũng bị Công an TP Thái Nguyên tới nhà, đọc giấy triệu tập và đưa đi ngay vào 3h sáng ngày 30/7, bị tạm giữ 3 ngày, 3 đêm, bị bắt viết tường trình, diễn biến sự việc. Đáng chú ý, khi anh Thắng về nhà mới biết công an TP đã tới đọc lệnh khám nhà, tiến hành khám xét, thu giữ tài sản gồm loa và sách học Pháp Luân Công. Sau khi công an đọc lệnh khám nhà, vợ anh Thắng yêu cầu chụp lại lệnh khám nhưng công an không cho chụp.

Theo Điều 35 , Điều 37, Điều 39 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, chỉ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thẩm quyền ký giấy triệu tập nhằm mục đích thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Theo đó, việc triệu tập chỉ có thể xảy ra khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xác định rõ ai là bị can, ai làm chứng, người bị hại… Người bị triệu tập có quyền được giải thích rõ về tư cách tham gia tố tụng, về quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng…

Trở lại vụ việc, ngày 2/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Thái Nguyên mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Tuy nhiên, từ ngày 29/7 – 1/8/2017, 8 người đã bị triệu tập lên trụ sở Công an TP Thái Nguyên, trong đó bà Xìu và anh Thắng bị triệu tập ngay trong đêm.

Việc triệu tập công dân bất thường khi chưa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là hoàn toàn không đúng luật. Trong trường hợp này, Điều tra viên chỉ có thể dùng giấy mời công dân đến làm việc trong giờ hành chính, vì là mời nên không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành. Thực tế, 8 công dân sau khi nhận giấy triệu tập và đến làm việc đã bị cơ quan công an tạm giữ. Đến 12h đêm ngày 2/8/2017, 4 người được thả về; 4 người còn lại bị khởi tố , bị tạm giam “làm án” tới 8 tháng sau đó bị đưa ra xét xử.

Như vậy, cơ quan công an TP Thái Nguyên ra giấy triệu tập trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là việc hoàn toàn trái luật. Nửa đêm huy động lực lượng tới triệu tập và đưa người đi ngay trong đêm, liệu đó có đúng bản chất của việc triệu tập, hay thực chất là lệnh bắt giữ khẩn cấp – biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng đối với tội phạm nghiêm trọng trong một số trường hợp luật định (Điều 110 Bộ Luật TTHS 2015)? Điều này chứng tỏ sự coi thường pháp luật của cơ quan công quyền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

4. Xử một việc nhưng lại phỉ báng việc khác

Theo phản ánh của người dân, trong thời gian vụ việc diễn ra, các cá nhân công an có nhiều hành vi lăng mạ, phỉ báng người dân.

Bà Hồ Thị Hòe (SN 1954), người chứng kiến sự việc tại quảng trường tối 29/7, cho biết sau khi lên trụ sở CA TP Thái Nguyên theo giấy triệu tập vào chiều 30/7, bà bị đưa vào phòng riêng, giữ lại 2 đêm để lấy lời khai. Vào ngày thứ ba, có hai công an đến, một người giới thiệu là công an tỉnh, một người trẻ hơn giới thiệu là công an thành phố. Bà Hòe cho biết chỉ người công an TP hỏi. Sau khi bà nói mình có tu luyện Pháp Luân Công thì người này bắt đầu chửi, phỉ báng môn tập. Theo bà Hòe, người này không chỉ mạt sát mà còn giơ tay định đánh bà.

Sáng ngày 10/4, trước một ngày khi phiên tòa diễn ra, công an thành phố đã tới nhà một số người tập Pháp Luân Công tại tỉnh Thái Nguyên yêu cầu không được đến dự phiên toà, đồng thời phát ngôn rằng Pháp Luân Công bị cấm và chưa được cho phép dù chưa có bất kỳ văn bản công khai nào của Nhà nước quy định về điều này.

cuop tai san cua chinh minh
Tin nhắn trả lời của ông Phan Thanh Hải, Trưởng Công an TP Thái Nguyên với một người dân khi người này nói về vụ án “cướp và cướp giật tài sản”. (Hình ảnh do người dân cung cấp)
phan thanh hai truong ca tp thainguyen
Hiển thị các tin nhắn trả lời của ông Hải (Hình ảnh do người dân cung cấp)

Trong ngày diễn ra phiên xét xử, công an an ninh, công an giao thông dựng rào chắn chặn các ngả đường quanh khu vực trụ sở Tòa án Nhân dân TP Thái Nguyên, ngăn cản người dân tới gần khu vực tiến hành xét xử. Quanh khu vực tòa án, có loa mở công suất lớn phát nhiều nội dung sai lệch liên quan tới môn tu luyện Pháp Luân Công, trong đó có bản tin của Đài truyền hình Thái Nguyên (12/2017).

Câu hỏi đặt ra là tại sao tòa án xét xử hành vi “cướp và cướp tài sản” nhưng công an thành phố vừa sử dụng cách thức vận động vừa đe dọa, thậm chí dùng những lời lẽ mang tính chất mạt sát nhắm vào những người tu luyện Pháp Luân Công?

nguoi dan bi hanh hung
Một nạn nhân trong vụ hành hung tại hồ Xương Rồng (TP. Thái Nguyên) vào chiều tối ngày 11/4/2018. (Ảnh do người dân cung cấp).

Công an TP Thái Nguyên đã tiến hành lệnh khám nhà anh Thắng (nhân chứng) trước khi có quyết định khởi tố vụ án, thu giữ loa và sách Pháp Luân Công. Điều 192 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.” Sách Pháp Luân Công liệu có liên quan gì tới “vụ án cướp và cướp giật tài sản” mà các cơ quan tố tụng TP Thái Nguyên đang tiến hành?

Vào chiều tối ngày 11/4, khi người dân ra tập Pháp Luân Công bên hồ Xương Rồng đã bị đám đông thanh niên tới ném mắm tôm, chửi bới, chặn xe vây đánh, có kèm theo vũ khí như gậy ba khúc (baton), côn nhị khúc. Các nhân chứng phát hiện có một người mặc áo đỏ đã gọi điện chỉ đạo vụ hành hung này. Khi người dân vào trụ sở Công an phường Phan Đình Phùng báo án thì bắt gặp người này đi vào phường. Khi nhìn thấy họ, người này vội quay người, bịt mặt, bỏ chạy ra ngoài.

dan phong chi dao con do hanh hung nguoi dan thai nguyen
Người đàn ông tên Hiếu bị người dân phát hiện đã gọi điện chỉ đạo vụ hành hung đối với nhóm người tập Pháp Luân Công ở hồ Xương Rồng (TP. Thái Nguyên) vào chiều tối ngày 11/4. (Ảnh do chị Hương (Hà Nội) cung cấp).

***

Mặc dù chứa đựng nhiều điểm khuất tất trong khép tội và xử án, nhưng với những diễn biến ngoài lề cho thấy vụ án “cướp và cướp giật tài sản” do các cơ quan tố tụng TP Thái Nguyên tiến hành chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hàng loạt các hành động lăng mạ, phỉ báng Pháp Luân Công và người tập Pháp Luân Công cho thấy dường như Pháp Luân Công mới là mục tiêu nhắm tới. Điều này là hoàn toàn trái với tinh thần văn minh mà pháp luật theo đuổi. Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 của Việt Nam nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng”.

Hiện Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới đi ngược với văn minh nhân loại khi ngấm ngầm tiến hành cuộc bức hại đối với người tập Pháp Luân Công trên phạm vi toàn quốc, bất kể sự thật môn tập đã được ghi nhận bởi gần 100 triệu người dân tại chính quốc gia này trước khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999.

Tính tới nay, người dân và chính phủ tại hơn 114 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận môn tập, đây không phải sự thật mà những quan chức trong chính quyền TP Thái Nguyên nên nhìn vào hay sao? Vì sao lại nối gót chính quyền của ĐCSTQ đàn áp ngay chính người dân của mình, khi tội ác của chính quyền này đối với người dân nước họ và ngay người dân nước Việt tới nay vẫn chưa có cách nào biết đong cho trọn?

Xuân Tường


Xem thêm: