Hải Phòng chỉ đạt 5,14/100 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số công khai ngân sách.

vu sy cuong
TS Vũ Sỹ Cường – thành viên của nhóm nghiên cứu. (Ảnh: VEPR)

Ngày 12/6, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã tổ chức công bố chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI). Đây là bộ chỉ số do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) phối hợp cùng VEPR thực hiện.

POBI là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo lường mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Trong xếp hạng công khai ngân sách POBI 2018, có 6 tỉnh được xếp vào nhóm A – công khai “Đầy đủ” bao gồm: Vĩnh Long (90,52 điểm), Bà Rịa – Vũng Tàu (85,91 điểm), Đà Nẵng (83,09 điểm), Vĩnh Phúc (82,05 điểm), Quảng Nam (76,68 điểm) và Hậu Giang (76,66 điểm).

Nhóm B công khai ngân sách tương đối có 27 tỉnh có số điểm từ 50 đến 75. Hà Nội và TP.HCM đều thuộc nhóm C công khai chưa đầy đủ cùng 19 tỉnh khác.

Đặc biệt, Hải Phòng đứng cuối bảng xếp hạng chỉ với 5,14/100 điểm. Ngoài Hải Phòng, các tỉnh như Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định,… cũng được xếp vào nhóm ít công khai ngân sách.

POBI 2018 cũng cho thấy sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của các vùng. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 60.9 và 59.16 điểm, tiếp theo đó là vùng Đông Nam Bộ (54.37 điểm) và Đồng bằng sông Hồng (50.55 điểm).

Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 40.33 điểm, tiếp đó là Trung du và miền núi Bắc bộ (42.9 điểm) và khu vực Tây Nguyên (46.3 điểm).

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng khảo sát mức độ tham gia của người dân trong quá trình công khai ngân sách cấp tỉnh. Theo báo cáo, nhìn chung các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình này. Bắc Ninh là tỉnh đạt số điểm cao nhất với 66,6 điểm. Các tỉnh Bắc Giang, Bến Tre, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên và Thái Bình công dân ít được tham gia nhất.

TS Vũ Sỹ Cường – thành viên nhóm nghiên cứu cho biết điểm số POBI 2018 là điểm của 65 câu hỏi quy về thang điểm 100. Trong số 9 tài liệu khảo sát để tính điểm POBI 2018 có 7 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 gồm các dự thảo, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách, thuyết minh, quyết toán ngân sách. 2 tài liệu cần phải công khai theo thông lệ tốt của quốc tế là báo cáo ngân sách công dân và kế hoạch đầu tư công.

TS Cường phân tích báo cáo ngân sách công dân là một tài liệu rất tiến bộ, được viết dưới ngôn ngữ dễ tiếp cận so với ngôn ngữ tài chính thông thường. Đà Nẵng là tỉnh duy nhất công khai báo cáo này.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, đặc biệt là Hải Phòng có điểm số thấp là một vấn đề rất đáng lưu ý. Theo ông Thành, các địa phương này có thu chi ngân sách lớn nhưng việc công khai minh bạch chưa thật sự được chú trọng, vấn đề nhận thức về công khai minh bạch ngân sách của các địa phương này ít nhiều còn hạn chế, ảnh hưởng đến điểm số chung.

Văn Duy

Xem thêm: