Thông tin từ Bộ Tài Chính cho biết có đến hơn 41.500 đơn vị sự nghiệp công lập với hàng triệu viên chức đang sống dựa hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước (NSNN).

don vi su nghiep
Cả nước hiện có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập. (Ảnh: thanhtra.com.vn)

Theo nội dung dự thảo Đề cương Nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Bộ Tài chính vừa công bố, cả nước hiện có gần 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập (chưa tính tổ chức trong quân đội, công an và doanh nghiệp Nhà nước). Trong đó, khối do Chính phủ quản lý có 57.170 đơn vị với hơn 2,4 triệu viên chức.

Các đơn vị này hoạt động trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, khối đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Chính phủ quản lý có 41.310 đơn vị sự nghiệp giáo dục – đào tạo (chiếm 72,3%); 605 đơn vị sự nghiệp dạy nghề (chiếm 1,1%); 6.134 đơn vị sự nghiệp y tế (chiếm 10,7%).

Bên cạnh đó, còn có 454 đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ (chiếm 0,8%); 1.774 đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch (chiếm 3,1%); 654 đơn vị sự nghiêp báo chí, xuất bản (chiếm 14,1%) và 6.239 đơn vị sự nghiệp khác (chiếm 10,9%).

so luong don vi su nghiep

Đánh giá về tình hình tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp do Chính phủ quản lý, Bộ Tài chính cho biết có 109 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (chiếm 0,19%); 1.878 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (chiếm 3,33%); 12.841 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (chiếm 22,78%); trong khi có đến 41.539 đơn vị do NSNN đảm bảo toàn bộ (chiếm 73,7%).

Đồng nghĩa với việc có trung bình khoảng 1,7 triệu viên chức trong Chính phủ hiện đang do NSNN nuôi, chiếm gần 3/4 tổng số đơn vị sự nghiệp công lập.

Những con số trên cho thấy việc triển khai lộ trình tính đủ chi phí trong giá dịch vụ sự nghiệp công lập còn khó khăn. Cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách về cơ bản vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào và theo biên chế; đầu tư phân tán, dàn trải chưa gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; việc sử dụng tài sản công còn phân tán, lãng phí, hiệu quả thấp.

Mặc dù đã có nhiều chính sách nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp nhưng việc thực hiện còn hạn chế, kết quả đạt được thấp và thiếu vững chắc.

Trên cơ sở đó, cơ quan này kiến nghị “sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; cổ phần hóa và thực hiện hạch toán như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học; giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả…”

Mục đích nhằm đẩy mạnh hoạt động các đơn vị này theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán theo chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị ở khu vực có khả năng xã hội hóa cao.

Tú Mỹ

Xem thêm: