Năm 2017, Việt Nam tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu và gần 4,1 tỷ lít bia, là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á. 

ruou bia
Năm 2017, người Việt Nam tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương tổng cộng 233 triệu lít cồn. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo báo cáo, năm 2017, người Việt Nam tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh nếu so với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới.

Khoảng 800 ca tử vong mỗi năm do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. 70% số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30.

Nhiều hộ gia đình Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến rượu, bia. 11% hộ gia đình xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.

Phụ nữ và trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số đang là đối tượng gánh chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất. Tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người lớn đối với trẻ em phổ biến hơn ở các hộ gia đình nông thôn, thu nhập thấp và có người sử dụng nhiều rượu, bia.

Sử dụng rượu, bia còn gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.

Theo báo cáo, tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng.

Cụ thể hơn, ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).

Riêng năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ bia (không kể rượu) là gần 4 tỷ USD.

Rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2012, 83% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia; 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam do sử dụng rượu, bia. 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia.

Dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp.

Rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người/năm, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá.

Nguyễn Quân

Xem thêm: