Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong top 10 điểm nóng của thế giới về phát triển nhiệt điện than. Mặc cho nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái và bất ổn an ninh năng lượng, nhiệt điện than vẫn được định hướng trở thành nguồn điện chính ở Việt Nam.

nhiet dien than
Nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận, Việt Nam. (Ảnh: FB HuuHung Do)

Nguy cơ hủy hoại từ không khí, đất đến nước

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (1), năm 2015, Việt Nam có 20 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 13.570 MW, chiếm 33,4% công suất điện quốc gia.

Năm 2020 sẽ tăng lên 31 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 25.787 MW, chiếm 42,7% công suất điện quốc gia. Năm 2025, dự kiến cả nước có 47 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất sẽ lên tới 45.152 MW, chiếm 49,5% công suất điện quốc gia.

Đến năm 2030, mặc dù tỷ trọng nhiệt điện than giảm xuống còn 42,7% công suất điện quốc gia, số nhà máy nhiệt điện than vẫn tiếp tục tăng lên 52 với tổng công suất 55.252 MW. Tới thời điểm này, lượng than tiêu thụ cho nhiệt điện than dự kiến vào khoảng 105 triệu tấn mỗi năm.

Năm2015202020252030
Số nhà máy nhiệt điện than20314752
Công suất (MW)13.57025.78745.15255.252
Tỷ trọng (%)33,442,749,542,7
Lượng than tiêu thụ (triệu tấn/năm)243572105

Bảng 1: Quy hoạch phát triển nhiệt điện than từ 2015-2030. (Nguồn: GreenID xử lý từ số liệu của Quyết định 428/QĐ-TTg (2016)

nhiet dien than
Từ 2020, than được quy hoạch chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu các nguồn điện tính theo dạng nguyên liệu, chiếm 43%. (Nguồn: GreenID (2018).

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) dẫn báo cáo của Endcoal 2017 (2) cho hay để sản xuất 1 kWh điện, nhà máy nhiệt điện than phát thải khoảng 0,8-1 kg khí CO2. Trong sản xuất điện toàn cầu, NĐT đóng góp tới 72% lượng phát thải khí nhà kính.

Ngoài khí CO2, nhà máy NĐT còn thải ra môi trường nhiều chất có hại như SO2, thủy ngân, asen,… gây ra mưa axit. Cùng với khí thải, tro xỉ do sản xuất điện cũng gây tác động môi trường hoặc chiếm dụng tài nguyên đất và phát sinh nhiều chi phí xử lý.

Từ mức phát thải khí nhà kính, thải xỉ và tro bay, các nhà khoa học đã dự báo lượng phát thải CO2 và tro-xỉ của nhiệt điện than của Việt Nam từ năm 2015-2030 như sau:

Năm2015202020252030
Tổng điện sản xuất (TWh)160265400576
Sản lượng điện than (TWh)48,9130220306
Phát thải CO2 (triệu tấn/năm)54,5123148245
Tổng lượng tro-xỉ (triệu tấn/năm)12324461

Bảng 2: Dự báo lượng phát thải CO2 và tro-xỉ của nhiệt điện than của Việt Nam từ năm 2015-2030. (Nguồn: Bùi Huy Phùng, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, 2017, dẫn theo GreenID)

Lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than hiện tại khoảng 12,2 triệu tấn/năm (60% tại miền Bắc, 21% tại miền Trung và 19% tại miền Nam). Trong năm 2017, chỉ gần 4 triệu tấn tro, xỉ được tiêu thụ, chiếm khoảng 30% lượng phát sinh. Lý do được cho là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ việc thúc đẩy tiêu thụ. (3)

Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc, với số lượng nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, ngoài lượng tro xỉ tồn đọng trên cả nước (khoảng 40 triệu tấn), mỗi năm phát sinh thêm khoảng trên 15 triệu tấn. Nếu các nhà máy điện than được đầu tư như quy hoạch, dự tính năm 2018, lượng tro xỉ thải ra trong cả nước là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 và 2030 lần lượt đạt tới con số 248 và 422 triệu tấn. (4)

Hiện tại, phần lớn tro xỉ được xử lý bằng cách chôn lấp. Ông Đinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay hiện mới chỉ có khoảng 10% lượng tro xỉ thải ra hàng năm được thu gom sử dụng (như làm vật liệu xây dựng), còn lại 90% vẫn chôn lấp.

Ngoài nguy cơ ô nhiễm không khí, là nguy cơ về nguồn nước. Theo PGS.TS Bùi Huy Phùng, các nhà máy nhiệt điện than đòi hỏi rất cao về nhu cầu nước, để hấp thụ nhiệt thải từ hơi ngưng tụ. Trên thế giới, lượng nước sử dụng làm mát bình quân cho nhiệt điện than là khoảng 142 m3/MWh; ở Việt Nam, con số này dao động từ 124 m3/MWh đến 192 m3/MWh.

Để đáp ứng theo yêu cầu phát triển nhiệt điện than theo quy hoạch, tổng lượng nước làm mát cần từ 7,3 tỷ m3 (2015) đến 19,5 tỷ m3 (2020), tăng lên 33 tỷ m3 vào năm 2025; đến năm 2030 phải đạt 46 tỷ m3. Không đủ nước làm mát và nhiệt độ nước sông hồ gia tăng có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Chưa kể tới nguy cơ khí thải và tro xỉ, lượng nước tiêu tốn lớn trong cả quá trình vận hành nhiệt điện than (từ khai thác, xử lý than đến sản xuất và hậu sản xuất điện) có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, dẫn đến những hậu quả khó lường. (5)

Tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm của Việt Nam là khoảng 830-840 tỷ m3, nhưng hơn 63% ở ngoài biên giới, chỉ gần 310 tỷ m3 được sinh ra trên lãnh thổ quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016). Lượng nước bình quân của Việt Nam ở mức trung bình thế giới, nhưng lượng nước được khai thác sử dụng chỉ đạt dưới 1.000m3/người/năm (FAO, 2010). Trong khi đó, Việt Nam là một trong 10 nước có chỉ số an ninh nguồn nước thấp nhất thế giới (GreenID, 2017). (6)

Tháng 9/2015, nhóm nghiên cứu Đại học Harvard dẫn báo cáo cả khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cho biết số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người/năm. Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch được đưa vào vận hành thì con số này sẽ có thể tăng lên đến 25.000 người/năm. Đầu tháng 6/2018, GreenID kiến nghị Chính phủ nên cắt 30 GW điện than, tương đương với việc đưa 25 nhà máy điện than ra khỏi 1uy hoạch. Thực hiện một số điều chỉnh (tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, tăng tỷ trọng nhiệt điện khí và giảm tỷ trọng của nhiệt điện than), Việt Nam có khả năng không cần xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới mà vẫn duy trì hệ thống năng lượng an toàn với giá cả hợp lý, tránh được 7.600 ca tử vong sớm hàng năm vào năm 2030 và tăng cường an ninh năng lượng do giảm tỷ lệ nhập khẩu than. (7)

Tuy nhiên, hiện tại than đang được tăng cường nhập khẩu, phần lớn phục vụ nhu cầu nhiệt điện than. 

Từ quốc gia xuất khẩu trở thành nhập siêu than  

Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam (8), dự báo nhu cầu than sử dụng trong nước vào năm 2030 tăng gấp 4 lần so với năm 2016, trong đó phần lớn phục vụ nhu cầu nhiệt điện. Than cho nhu cầu nhiệt điện tăng tỷ trọng từ 69,8% (2016) lên 83,7% (2030).

Nhu cầu than (triệu tấn)2016202020252030
Nhiệt điện33,264,196,5131,1
Phân bón, hóa chất2,45,05,05,0
Xi măng4,76,26,76,9
Luyện kim2,05,37,27,2
Các hộ khác5,25,86,16,4
Tổng số47,586,4121,5156,6

Bảng 3: Dự báo nhu cầu than sử dụng trong nước từ 2016-2030. (Nguồn: Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016)

nhiet dien than
Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, nhu cầu than dự báo sử dụng trong nước phần lớn dành cho nhiệt điện. (Biểu đồ: Vĩnh Long)

Theo quy hoạch, nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện là rất lớn, dự tính khoảng 25,5 triệu tấn năm 2020; 72,5 triệu tấn năm 2025 và 90,3 triệu tấn năm 2030. Khối lượng than nhập khẩu sẽ chiếm 72% (2020), 100% (2025) và 86% (2030) trong tổng lượng than tiêu thụ của nhiệt điện than (bảng 1).

Mức độ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu càng lớn, càng gây nguy cơ mất an ninh năng lượng (chưa kể tình trạng lệ thuộc về vốn đầu tư, tỷ giá, công nghệ, thiết bị, khả năng nâng cấp…) (9). Trong khi đó, nhiệt điện than lại đang được quy hoạch chiếm tỷ trọng đến 49,5% công suất điện quốc gia (năm 2025).

Hiện tại, sau thời gian dài chủ yếu xuất đi, Việt Nam đang nhập siêu mặt hàng này về nước. Từ năm 2014 đến 2017, quy mô nhập khẩu than của Việt Nam tăng gấp 4,6 lần về lượng. Tổng khối lượng than nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2018 thậm chí vượt tổng khối lượng than nhập khẩu trong cả năm 2017.

Năm201320142015201620172018 (10 tháng đầu năm)
Tổng khối lượng (triệu tấn)2,273,096,9313,2714,4817,34
Tổng giá trị (triệu USD)264,1363,9547,4959,41,519,92,050,0

Bảng 4: Tổng khối lượng và kim ngạch nhập khẩu than từ 2014-2018. (Số liệu: Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính; Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương)

Năm 201320142015201620172018 (10 tháng đầu năm)
Tổng khối lượng (triệu tấn)13,17,261,501,242,222,05
Tổng giá trị (triệu USD)943,9554,5160,8139287,2276,49

Bảng 5: Tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu than từ 2016-2018. (Số liệu: Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính; Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương)

nhap sieu than
Tổng khối lượng than xuất khẩu và nhập khẩu từ 2013 đến nay với việc giảm đột ngột của xuất khẩu than và tăng nhanh chóng của nhập khẩu than (đơn vị: triệu tấn). (Biểu đồ: Vĩnh Long)

Xuất khẩu than của Việt Nam đạt mức đỉnh điểm là hơn 32 triệu tấn vào năm 2007, sau đó liên tục giảm xuống còn từ 1,2 đến 2,2 triệu tấn từ năm 2015 đến nay dù khối lượng sản xuất ít biến động. Năm 2017, Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sản xuất than nguyên khai 34,9 triệu tấn, trong đó, than sạch 32,9 triệu tấn, than tiêu thụ 35 triệu tấn, tương đương năm 2016. Tiêu thụ than trong nước 33,5 triệu tấn, xuất khẩu 1,5 triệu tấn.

Năm 2019, TKV dự kiến lượng tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn, trong đó 31,9 triệu tấn cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Theo đó, TKV dự kiến khai thác 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước. Điều này cho thấy sản xuất và nhập khẩu than đang chủ yếu tập trung cho nhiệt điện than với khối lượng rất lớn.

5 quốc gia có thị phần than xuất khẩu vào Việt Nam lớn nhất gồm: Indonesia, Australia, Nga, Trung Quốc, Malaysia. Thị phần xuất khẩu vào Việt Nam của 5 quốc gia này chiếm tỷ trọng 95÷99%.

Hiện ngoài các đơn vị như TKV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nhập khẩu than, nhiều doanh nghiệp cũng được cấp quyền nhập khẩu than riêng. Những doanh nghiệp nhập khẩu than lớn nhất trong các năm qua là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), Tập đoàn Hoành Sơn… (10)

Phát triển hay chọn đi vào bế tắc…

Theo nghiên cứu và kiến nghị của GreenID, điều chỉnh tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, tăng tỷ trọng nhiệt điện khí và giảm tỷ trọng của nhiệt điện than – sẽ giúp Việt Nam vẫn duy trì hệ thống năng lượng an toàn với giá cả hợp lý, không đánh đổi 7.600 người tử vong sớm hàng năm vào năm 2030 và tăng cường an ninh năng lượng do giảm tình trạng lệ thuộc vào than nhập khẩu. Việc tập trung phát triển nhiệt điện than theo quy hoạch sẽ đưa Việt Nam vào tình thế bất lợi về tính mạng người, sự cạn kiệt về tài nguyên, gia tăng chi phí năng lượng trong khi bất ổn về an ninh năng lượng, lệ thuộc nước ngoài.

Điều cần thiết hiện tại là phát triển năng lượng tái tạo trước nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái bởi nhiệt điện than. 4.300 người/năm chết yểu do các vấn đề liên quan đến nhiệt điện than là con số hiện tại. 25.000 người/năm là con số dự báo nếu các nhà máy nhiệt điện than đang trong quy hoạch được đưa vào vận hành.

nghich ly nhap sieu than de phat trien nhiet dien than 2
Nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) xả thải trong đêm. (Ảnh: FB HuuHung Do)

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam nhận định Quy hoạch điện VII điều chỉnh không bảo đảm an ninh năng lượng và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế lâu dài, gây mối nguy hại rất lớn đối với các hệ sinh thái, gia tăng chi phí bảo vệ môi trường, chi phí y tế, bất ổn năng lượng. (11)

Về xu hướng phát triển ngành năng lượng của thế giới, dẫn báo cáo của Sierra Club (12), GreenID cho hay hiện 34 quốc gia và các tổ chức địa phương cam kết loại bỏ than. Năm 2017, chỉ có 7 quốc gia dự kiến phát triển dự án điện than mới ở nhiều hơn một địa điểm. Tổng công suất nhà máy điện than ngừng hoạt động lên tới 97GW trong ba năm qua, dẫn đầu là các nước Mỹ (45GW), Trung Quốc (16GW) và Anh (8GW).

Mặc dù số lượng dự án điện than mới giảm xuống, Sierra Club cảnh báo rằng lượng khí thải trong cả vòng đời của các nhà máy điện than đang vận hành hiện nay sẽ vượt giới hạn CO2 cho phép đối với than (theo thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015). Do đó, để giữ lượng phát thải của than trong phạm vi cho phép, cần dừng xây dựng các nhà máy mới và đẩy nhanh tốc độ đóng cửa các nhà máy đang vận hành.

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu…”, ông Khải nhận định. (13)

Các quyết định đối với việc phát triển hệ thống năng lượng của Việt Nam trong năm tới [2019] sẽ có tác động và hệ lụy không chỉ hôm nay mà còn tới các thế hệ sau này“, theo bà Ngụy Thị Khanh, người Việt Nam đầu tiên đạt giải môi trường Goldman, Giám đốc GreenID. (14)

Vĩnh Long

Chú thích: 

(1) Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ

(2) (5) (6) Lê Thành Ý, Phát triển năng lượng tái tạo trước nguy cơ hủy hoại môi trường sinh thái của nhiệt điện than ở Việt Nam, website Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), bản đăng ngày 

(3) SGGP, Mỗi năm thừa gần 8 triệu tấn tro xỉ than nhiệt điện không có nơi tiêu thụ, bản đăng ngày 20/4/2018

(4) Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Loay hoay xử lý tro xỉ nhiệt điện than, bản đăng ngày 31/10/2017

(7) Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Báo cáo nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam, bản đăng ngày 1/6/2018

(8) Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ

(9) Xem thêm: PGS.TS Bùi Huy Phùng, Lệ thuộc nước ngoài, nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, bản đăng ngày 4/7/2014

(10) Phan Ngô Tống Hưng và Nguyễn Thành Sơn, Nhập khẩu than của Việt Nam: Hiện trạng và xu thế, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, bản đăng ngày 16/4/2018

(11) Phạm Ngọc Đăng, Bấp cập của Quy hoạch điện lực VII (điều chỉnh) so với định hướng phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH, website Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, bản đăng ngày 7/5/2018 

(12) Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Báo cáo mới: Điện than toàn cầu giảm trong năm thứ hai liên tiếp, bản đăng ngày    

(13) (14) Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Con đường phát triển điện không đánh đổi môi trường và sức khỏe của người dân Việt Nam, bản đăng ngày    

Xem thêm: