Hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su (nhập khẩu từ Việt Nam) vừa bị thu hồi tại Nhật Bản do có chứa chất bảo quản axit benzoic. Mặc dù axit benzoic được phép dùng trong một số thực phẩm tại Nhật Bản, tại sao Nhật Bản lại không cho phép dùng chất này trong tương ớt?

tuong ot
Theo Luật vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, phụ gia axit benzoic (E210) không được sử dụng trong tương ớt. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Axit benzoic (C7H6O2 hoặc C6H5COOH) là hợp chất có tính chống vi sinh vật. 

Axit này và các sản phẩm điều chế từ nó như muối benzoate sodium, benzoate kali và benzoate calci (gọi chung là nhóm benzoat), được dùng rất phổ biến trong ngành chế biến thực phẩm và thức uống, với chức năng là chất bảo quản thực phẩm.

Axit này và các muối của nó có tác dụng làm chậm tiến trình phân hủy thực phẩm, thức uống qua việc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, nấm men và nấm mốc, từ đó tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Axit benzoic có trong tự nhiên hay không? 

Axit benzoic được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, như quả nam việt quất, việt quất đen, quả mận, quả mâm xôi, vỏ quế, đinh hương…

Axít benzoic được sản xuất thương mại qua con đường điều chế hóa học, bằng cách ôxi hóa dần toluen bằng ôxy. Quá trình này được thực hiện có xúc tác coban hay mangan naphthenat. Công nghệ này sử dụng các vật liệu thô rẻ tiền, có hiệu suất cao và được xem là không gây hại môi trường.

Trong phòng phòng thí nghiệm, axit benzoic được điều chế bằng cách thủy phân benzonitrile.

Lợi ích và một số nguy hại của axit benzoic

Với đặc tính ngăn sự phát triển của vi sinh vật, trong hóa học và thương mại, axit benzoic thường được sử dụng làm chất bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm, như sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây…

Với tác dụng giảm viêm da, ngăn ngừa nhiễm trùng, axit benzoic cũng được đưa vào trong thành phần mỹ phẩm hoặc kem bôi da, làm giảm viêm và kích ứng da, đặc biệt là khi kết hợp với axit salicylic.

Trong y học, axit benzoic được sử dụng như một chất khử trùng và thành phần của một số loại thuốc mỡ (dùng để điều trị các bệnh về da như nấm da…)

Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhóm benzoat là an toàn nếu tiêu thụ không nhiều hơn 5 mg/kg thể trọng/ngày. Tuy nhiên, có một số rủi ro và nguy hại liên quan tới axit benzoic cần được xem xét, đặc biệt là khi hợp chất này trở thành một phần thường xuyên trong chế độ ăn uống của bạn.

benzoic copy
(Nguồn: Dr.Axe; Việt hóa: TTVN)

Theo chuyên gia dinh dưỡng Rachael Link (*), một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng natri benzoate, là muối natri của axit này, có thể được gắn với sự tăng động; một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Benedictine cho thấy một lượng lớn đồ uống giàu natri benzoate có thể góp phần làm tăng các triệu chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở sinh viên đại học.

Nhiều người cũng thường thắc mắc: Axit benzoic có phải là chất gây ung thư không? Mặc dù bản thân axit không gây ung thư, nhưng trong cơ thể, axit benzoic và các benzoat tác dụng với axit ascorbic (vitamin C, E300) tạo thành benzen. Benzen được xếp loại là chất gây ung thư nhóm A1 (đã được xác nhận là gây ung thư cho người), theo phân loại của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) và Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC).

Theo đó, axit benzoic không được dùng kết hợp với thực phẩm nào? Trong trường hợp tương ớt, bởi vì ớt có hàm lượng vitamin C rất cao (gấp 3 lần của cam tính trên cùng trọng lượng tương ứng). Do đó, sẽ có nguy cơ axit benzoic trong tương ớt kết hợp phản ứng với vitamin C tạo ra benzene gây ung thư.

tuong ot
Ớt có hàm lượng vitamin C cao gấp 3 lần của cam tính trên cùng trọng lượng tương ứng. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Không chỉ ớt mà đa số các loại rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, nên việc sử dụng benzoic, benzoate trong quá trình bảo quản các sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, nước chấm có ớt hay cà chua đều chứa nguy cơ sinh ra benzen.

Cơ thể có thể hấp thụ axit benzoic qua các loại trái cây/thực phẩm tự nhiên chứa nhiều chất này, tuy nhiên, nguồn axit benzoic đưa vào cơ thể phổ biến nhất hiện nay là thực phẩm là ở dạng tổng hợp, với axit benzoic là chất bảo quản. Một số loại thực phẩm chứa axit benzoic ẩn như: phô mai, thịt chế biến (thịt nguội, thịt xông khói…), bia, kem, mứt và thạch, nước ép hoa quả, nước ngọt, kẹo cao su, bơ thực vật, dưa muối…

Lượng tiêu thụ an toàn

Theo khuyến cáo của Tổ chức Nông nghiệp thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không nên tiêu thụ axit benzoic và các benzoate nhiều hơn 5mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.

Tức, liều lượng nhóm benzoic – benzoate tối đa mà cơ thể có thể xử lý được mỗi ngày là 5 mg/kg thể trọng. Theo đó, một người nặng 50kg không nên dùng quá 0,25g các chất này mỗi ngày.

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, liều lượng benzoate cho phép trong thực phẩm là 1.000 miligram/kg thực phẩm (tức 1g/kg). Nghĩa là một trẻ em 5 tuổi, nặng 20kg chỉ có thể ăn tối đa 100g bánh kẹo có sử dụng benzoate theo đúng liều lượng quy định nói trên.

Do vậy, cách tốt nhất là nên hạn chế sử dụng thường xuyên các sản phẩm sử dụng axit benzoic và natri benzoate để tránh cơ thể bị quá tải. Việc chú ý đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi mua là một thói quen rất tốt để nhận biết axit benzoic có trong thành phần của sản phẩm.

Mã E210 là gì?

tuong ot
Nguồn axit benzoic đưa vào cơ thể phổ biến nhất hiện nay là thực phẩm là ở dạng tổng hợp, với axit benzoic là chất bảo quản. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Trong thành phần ghi trên nhãn mác, có thể nhận biết axit benzoic qua tên gọi hoặc qua mã điện tử là E210. Vì sao lại là E210?

Tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm được thiết lập bởi Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Vệ sinh thực phẩm (CCFH – Codex Committee on Food Hygiene).

Tất cả phụ gia thực phẩm đều được phân nhóm và đánh số chi tiết theo mã codex. Đó chính là con số thường ghi trong ngoặc sau tên hóa học của các thành phần ghi trên bao bì thực phẩm và đồ uống. Riêng đối với các nước EU, Úc, New Zealand, Israel và gần đây là Canada, thì mã có thêm tiền tố là chữ E (ký hiệu để chỉ Europe/Europa nghĩa là châu Âu).

Các chất bảo quản mang mã số từ 200 – 299. Trong đó, axit benzoic mang mã số 210, benzoate sodium có mã số 211, benzoate kali là mã 212 và benzoate calci có mã 213.

Một số nhóm chính thường gặp cần nhận biết như:

– Chất tạo màu tạo cho thức ăn có màu sắc như ý muốn mang mã số từ 100-199;

– Chất ngăn cản tiến trình ôxy hoá mang mã số từ 300-399;

– Chất tạo tạo đặc, chất ổn định và chất nhũ hóa có mã số từ 400-499;

– Các chất điều vị (thực chất là các loại bột ngọt, siêu bột ngọt) mang mã số 600 – 699;

– Các phụ gia hỗn hợp (gồm chất bao bề mặt, khí, chất tạo vị ngọt) mang mã số từ 900 – 999.  

Tại Việt Nam, giới hạn tối đa cho phép trong chế biến thực phẩm đối với axit benzoic do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 27/2012/TTBYT ngày 30/11/2012.

Theo đó, hàm lượng tối đa của axit benzoic trong nước chấm và các sản phẩm tương tự là 1.000mg/kg (tức 1g/kg); trong thịt và các sản phẩm từ thịt là 1.000mg/kg (tức 1g/kg); trong các loại thủy sản, sản phẩm thủy sản ngâm dấm, kể cả nhuyễn thể, giáp xác, da gai là 2.000mg/kg (tức 2g/kg); rau củ (bao gồm nấm, rễ, thực vật thân củ và thân rễ, đậu, đỗ, lô hội), tảo biển ngâm trong dấm, dầu, nước muối hoặc nước tương là 1.000mg/kg; sản phẩm trứng dạng lỏng 5.000mg/kg…

Xem chi tiết tại đây (từ trang 155-159).

Hoàng Anh – Nguyễn Quân

(*) Rachael Link, MS, RD, Benzoic Acid Side Effects: Is This Preservative Good or Bad for You?, Dr.Axe, 30/1/2019

Xem thêm: