Cơ quan công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố 4 bị can để điều tra về hành vi “Giết người” trong vụ án mạng phát hiện tại Bình Dương.

Chiều 23/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 phụ nữ để điều tra về hành vi “Giết người” trong vụ án “thi thể trong bê tông” tại ấp 5 xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng.

Quyết định khởi tố bị can và hồ sơ vụ án đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phê chuẩn.

Bốn bị can gồm Phạm Thị Thiên Hà (SN 1988), Trịnh Thị Hồng Hoa (SN 1953, cùng ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM), Lê Ngọc Phương Thảo (SN 1990, ngụ Tân Thới Đông, tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (SN 1979, ngụ Gò Vấp, TP.HCM).

Cả bốn bị can bị tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra.

Diễn biến sơ lược về vụ án mạng

Ngày 15/5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết công an tìm thấy hai thi thể bên trong hai khối bê tông tại căn nhà số 90 (tổ 3, ấp 5, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng).

Ngày 18/5, Công an tỉnh Bình Dương cung cấp thông tin cho báo chí rằng lực lượng chức năng đang tạm giữ 4 phụ nữ liên quan đến vụ án mạng.

Theo công bố trên truyền thông, 4 nghi phạm bị bắt giữ gồm Phạm Thị Thiên Hà; Trịnh Thị Hồng Hoa; Lê Phú Hạnh (54 tuổi, thường trú tại TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương); Lê Thị Phương Thảo.

Ngày 19/5, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, tạm giữ 4 nghi phạm để điều tra về hành vi “Giết người”.

Vài điểm đáng lưu ý về diễn biến truyền thông

Ngày 22/5, danh tính một trong 4 nghi phạm “lặng lẽ” được thay đổi trên các kênh truyền thông. Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (40 tuổi, ngụ TP.HCM) được thay thế cho Lê Phú Hạnh được công bố trước đó.

Theo nguồn tin của Trí thức Việt Nam, sau khi danh tính về 4 nghi phạm được công bố vào ngày 18/5, cô Hạnh đã đi trình báo Công an tỉnh Bình Dương ngay trong ngày, tuy nhiên, thông tin không được cải chính theo nguyện vọng.

Song song với các lời khai của nghi phạm được cập nhật chi tiết, hoạt động của nhóm 6 người (gồm 4 nghi phạm và 2 nạn nhân) được các bản tin trên truyền thông nhấn mạnh vào chi tiết “tu luyện”. Thông tin về “tu luyện” này được nhắc đến kèm theo các cụm từ “giáo phái lạ”, “giáo phái”, “giáo phái chưa được công nhận”, “P.L.C”, “Pháp Luân Công”, “Pháp luân công”…

Trong hai ngày 18-19/5, các cụm từ này dần được gỡ bỏ, hoặc thay thế bằng cụm từ khác; một số bản tin vẫn giữ nguyên. Sang các ngày 20-21/5 (sau khi vụ án bị khởi tố), một số kênh thông tin tiếp tục xuất bản các bài viết xoay quanh vụ việc gắn liền với cụm từ “Pháp Luân Công”. Sang các ngày 22-23/5, một số bài báo mô tả chi tiết các hành vi kỳ lạ gắn liền với việc “tu luyện”.

Đáng chú ý, các bản tin, bài báo đều không cung cấp thông tin tham khảo về Pháp Luân Công, cũng như giải thích nghĩa của các cụm từ “giáo phái” hay “tu luyện”.

>> Pháp Luân Công là gì, nhân vụ việc án mạng tại Bình Dương

Theo cổng thông tin của Pháp Luân Công – trang Minh Huệ Net, Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công) là môn tu luyện Phật gia, do ông Lý Hồng Chí sáng lập.

Nguyên tác của Pháp Luân Công là cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, có nội dung dạy con người đề cao tâm tính theo chân, thiện, nhẫn. Các sách của Pháp Luân Công đã được dịch thành 38 ngôn ngữ, được xuất bản và lưu truyền trên thế giới.

Ngày 29/4, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo thường niên năm 2019. Báo cáo điểm tên 161 quốc gia tham gia hoặc cho phép xâm hại tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, trong đó Trung Quốc là quốc gia cần đặc biệt chú ý. Theo theo dõi nhân quyền của USCIRF, Trung Quốc liên tục 20 năm bị liệt vào danh sách nước “đặc biệt chú ý” về xâm phạm tự do tôn giáo (từ năm 1999 đến nay).

Báo cáo tiếp tục đề cập đến cuộc bức hại Pháp Luân Công trái pháp luật của ĐCSTQ (từ năm 1999 tới nay), và hành vi lấy tạng từ tù nhân ở Trung Quốc (trong đó có nhiều người là người tập Pháp Luân Công) vẫn tồn tại ở quy mô lớn.

Xuân Tường