Đối với nghị định quy định xử phạt người “tập thể thao khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục”, theo ý kiến của chuyên gia tư vấn luật, vì trong luật không nêu rõ như thế nào là hành vi khiêu dâm và trái với thuần phong mỹ tục nên việc phạt hay không nằm trong tay người thừa hành pháp luật.

tập thể thao khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục
Theo quy định mới của Chính phủ, khiêu vũ thể thao (dancesport) nằm trong số những môn “thể thao khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục” có thể bị xử phạt. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Ban hành nghị định, họp báo bổ sung thông tin (!)

Nghị định 46/2019/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 27/5/2019, quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt… đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8. 

Nghị định được công bố sát thời điểm có hiệu lực, với nhiều điều khoản quy định có tính chất chung chung với mức xử phạt cao. Ví dụ, hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao, phạt từ 15-20 triệu đồng. Ai cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao, phạt từ 20-25 triệu đồng. (Điều 9)

Mức phạt trên cao hơn nhiều so với mức phạt đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao (phạt từ 10-15 triệu đồng), hay hành vi bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích bị cấm trong tập luyện, thi đấu (phạt từ 15-20 triệu đồng) (Điều 6).

Đáng chú ý, Điều 7 quy định “phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam”.

Tuy nhiên, khái niệm thế nào là tập luyện thể thao “mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc” không được đưa ra. Câu trả lời được ông Phạm Xuân Phúc – Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đưa ra trong cuộc họp báo công bố nghị định vào sáng 1/8 (!), nêu cụ thể tên một số môn thể thao, phương pháp tập luyện bị coi là vi phạm.

Báo Tuổi Trẻ (ngày 1/8) dẫn lời ông Phúc: “Môn yoga khỏa thân là trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam, pháp luân công dù bị cấm vẫn lén lút hoạt động và tuyên truyền. Trong tập dưỡng sinh có bài Suối nguồn tươi trẻ vẫn được sử dụng. Một số động tác của khiêu vũ thể thao (dancesport) cũng được biến tấu rất nhạy cảm. Võ tự do (MMA) dù chưa được cấp phép hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn diễn ra.”

tập thể thao khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục
Một số môn tập “trái thuần phong mỹ tục” do Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL nêu tên, báo Tuổi trẻ đăng thông tin. (Ảnh chụp màn hình/Báo Tuổi Trẻ)
tập thể thao khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục
Ý kiến do Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL đưa ra trong buổi họp báo ngày 1/8. (Ảnh chụp màn hình/Báo Tuổi Trẻ)

Bài đăng cho hay: “Yoga khỏa thân, các động tác dancesport biến tấu nhạy cảm, pháp luân công… là các môn thể thao có nguy cơ bị xử phạt 5-10 triệu đồng vì có tính chất khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam.”

Điều mâu thuẫn là trong khi chưa có định nghĩa cụ thể về “tập thể thao khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục”, thì một số bộ môn thể dục, tập luyện đã được nêu tên.  

Ý kiến của chuyên gia luật: “Có khả năng xử phạt”

Từ góc độ pháp lý, chuyên gia tư vấn luật Cao Huyền Trang (TP.HCM) cho biết: Trong các văn bản của pháp luật hiện hành, chúng tôi chưa tìm thấy văn bản nào định nghĩa hay mô tả hành vi nào tập thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi truỵ, trái với đạo đức xã hội thuần phong mũ tục và bản sắc văn hoá dân tộc.

Bà Trang cũng nhận đinh: “Luật hiện hành chưa mô tả hành vi nào trong tập luyện thể thao mà bị coi là khiêu dâm hoặc là bạo lực”.

Trên thực tế, do pháp luật hiện hành chưa đưa ra định nghĩa thế nào là trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc, nên các khái niệm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hoá, nói chung là các khái niệm đạo đức thường được tham khảo theo định nghĩa trong sách giáo dục công dân, sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. 

Tham khảo sách Giáo dục công dân 10 (Mai Văn Bính (Chủ biên), NXB Giáo dục Việt Nam (2014)), “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, xuất hiện tương đối sớm và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đạo đức được hiểu “Là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù họp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội”

“Như vậy thì chuẩn mực đạo đức là các giá trị phổ quát của xã hội, ở đó có những quy tắc cho biết làm người tốt là phải thế nào. Do vậy, các hành vi tập thể thao và tập luyện thể thao đi ngược lại với giá trị phổ quát, thì gọi là trái. Tuy nhiên, trong luật hiện hành không có diễn giải hay định nghĩa về điều này, và quan trọng là hành vi nào gọi là khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục thì chưa làm rõ ra.”

Khi chưa rõ tiêu chuẩn xác định thế nào là tập thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bảo lực, thì việc xử phạt sẽ dựa trên cơ sở nào?

Theo ý kiến tư vấn, việc xác định vi phạm và xử phạt là rất khó xử lý. “Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhận định của người thừa hành pháp luật khi xác định các giá trị phổ quát và chuẩn mực đạo đức nữa.” – bà Trang cho hay.

Như vậy, theo tư vấn pháp luật của chuyên gia, thì khả năng xử phạt theo Nghị định 46 là có, bởi vì quy định xử phạt đã được ban hành. Vì trong luật không nêu rõ như thế nào là hành vi khiêu dâm và trái với thuần phong mỹ tục, nên phạt hay không nằm trong tay người thừa hành pháp luật.

Sự bất hợp lý gia tăng khi khi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về “trái thuần phong mỹ tục” này lại thuộc về cơ quan Thanh tra chuyên ngành, UBND các cấp, Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển.

Nghị định này liệu có góp phần tạo thêm một “vùng xám” pháp lý hay không, khi luật được ban hành nhưng chưa được hoàn thiện, thiếu quy định rạch ròi. Một khi quy định đã được luật hóa thì việc xử phạt hay không nằm trong tay người của cơ quan quản lý. Điều này trái lại lại tạo nên những “khe hở” đi ngược với chuẩn mực đạo đức được xã hội thừa nhận.

Là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản và văn hóa – ông Bùi Hoài Mai cho rằng việc đưa ra một văn bản luật có tính chất “gộp chung” như vậy là không hợp lý.

“Một nghị định “vơ đũa cả nắm” như vậy là không đúng. Người ta không thể cấm một cách chung chung. Bất cứ kết luận nào đều có chi tiết của nó, đều có thể ra tòa, đều có thể biện hộ. Bây giờ không thể nói ô tô gây tai nạn, như vậy ai đi ô tô thì sẽ sở hữu công cụ gây tai nạn. Con dao có thể gây chết người, vậy không thể nói ai cầm dao cũng là kẻ giết người. Phải có hành động cụ thể.”

Trước thông tin các môn tập vào “tầm ngắm” do Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc đưa ra trong cuộc họp báo, Báo Tuổi Trẻ trích dẫn, ông Mai đặc biệt chú ý đến môn Pháp Luân Công nằm trong nhóm các môn tập “trái thuần phong mỹ tục”.

“Thông tin báo chí phải chỉ rất rõ cái gì của Pháp Luân Công ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Bài báo nói không có chứng cứ, đưa Pháp Luân Công vào mà không hề giải thích cái gì của Pháp Luân Công ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, trong khi đây là điều quan trọng nhất.”, ông Mai nói.

Trước ý kiến của ông Phúc rằng “pháp luân công dù bị cấm vẫn lén lút hoạt động và tuyên truyền”, ông Mai cung cấp thông tin cho hay: “Pháp Luân Công đang được truyền rộng đến hàng trăm quốc gia, được người dân đón nhận, Chính phủ công nhận. Nói “Pháp Luân công bị cấm” thì cần rõ chỉ ra là dựa vào luật nào để nói cấm Pháp Luân Công”.

Xuân Tường

Xem thêm: