Các nhà chức trách tại Trung Quốc Đại lục đã bắt đầu sách nhiễu, thậm chí bắt giữ người dân Trung Quốc dám bày tỏ trên mạng ủng hộ các cuộc biểu tình Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ.

Embed from Getty Images

Từ khi các cuộc biểu tình bùng phát rầm rộ tại Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc Đại lục đã áp đặt phong tỏa thông tin trên mạng để ngăn chặn người dân tìm hiểu về sự bất mãn của người Hồng Kông với chính quyền.

Trong những ngày gần đây, nhiều nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc đã bị cảnh sát tới nhà sách nhiễu sau khi họ bình luận trên mạng xã hội về dự luật dẫn độ, theo Đài Châu Á Tự do (RFA) đưa tin hôm 24/6. Một số nhà hoạt động nhân quyền thậm chí đã bị cảnh sát bắt giam.

Theo RFA, ông Wei Xiaobing, một nhà hoạt động nhân quyền sống tại thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, gần đây đã bị cảnh sát địa phương triệu tập lên đồn và giam giữ 15 ngày vì ông Wei đăng các bài viết lên mạng ủng hộ người Hồng Kông yêu cầu chính quyền rút lại luật dẫn độ.

Một nhà hoạt động nhân quyền khác, ông Hu Jiawei ở Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, cũng đã bị triệu tập lên đồn cảnh sát địa phương. Theo RFA, ông Hu đã bị cảnh sát cảnh báo không được đăng thêm các bài viết lên mạng hoặc đăng lại bất kỳ thông tin nào về các cuộc biểu tình tại Hồng Kông nếu không ông sẽ có nguy cơ bị xử lý “nghiêm khắc”.

RFA cho biết khi họ liên lạc với ông Hu vào ngày 24/6, ông đã nói rằng ông không thể nói chuyện vào thời điểm đó vì ông đang ở trong đồn cảnh sát.

Cô Pei Li, một nhà hoạt động nhân quyền tại tỉnh Tứ Xuyên, nói rằng cảnh sát địa phương đã gọi điện cảnh báo cô không được đăng thêm bất kỳ bài viết nào về các cuộc biểu tình Hồng Kông. Cô Pei đã viết lên mạng Twitter hôm 21/6 về sự kiện biểu tình Hồng Kông.

Cô Pei nói thêm rằng cảnh sát đe dọa rằng cô sẽ bị “cưỡng chế biến mất”. Điều đó có nghĩa rằng cảnh sát thực hiện cưỡng chế ai đó đi khỏi quê nhà của người này trong một khoảng thời gian nhất định, và đây là một trong nhiều chiến thuật phổ biến mà giới chức Trung Quốc vẫn thường sử dụng để bịt miệng những người bất đồng chính kiến và những người phê bình Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau khi bị đe dọa, cô Pei vẫn đăng một tweet khác, viết rằng: “Tôi tin tôi sẽ sớm mất quyền tự do của mình. Hãy tiến lên, Hồng Kông”. Theo RFA, từ sau khi đăng tweet này, tài khoản Twitter của cô Pei không còn cập nhật thêm bất kỳ tweet nào khác và RFA cũng không thể liên lạc được với nhà hoạt động nhân quyền này.

Một cư dân mạng với tên Ou nói với RFA rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bịt miệng cư dân mạng không chỉ giới hạn ở các khu vực nhất định tại Trung Quốc. Hơn thế, Ou nói rằng ông đã đọc được thông tin trên mạng về nhiều cư dân mạng khắp Trung Quốc đã bị cảnh sát địa phương triệu tập, cảnh cáo hoặc bắt giữ vì đăng các bức ảnh, bài viết hoặc video liên quan tới các cuộc biểu tình Hồng Kông.

Một cư dân mạng ẩn danh chia sẻ với RFA rằng các từ liên quan tới “Hồng Kông” trong tiếng Trung Quốc đã trở thành những cụm từ nhạy cảm và bị chính quyền kiểm duyệt. Trên ứng dụng tin nhắn phổ biến WeChat, bất cứ đề cập nào về “Hồng Kông” sẽ dẫn tới nhóm chat đó bị đình chỉ. Cư dân mạng cũng loan tin rằng họ không thể gửi hình ảnh và video liên quan tới Hồng Kông trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác.

Truyền thông nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc cũng phải chịu kiểm duyệt của chính quyền sở tại. Theo bài báo đăng trên nhật báo Liberty Times của Đài Loan hôm 13/6, Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK tại Trung Quốc đã bị mất tín hiệu đường truyền đột xuất khi họ đang đưa tin về xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát tại Hồng Kông hôm 12/6.

Nhà bình luận chính trị Zhang Lifan sống tại Bắc Kinh, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) gần đây, đã giải thích lý do tại sao chính quyền Trung Quốc lại ngăn chặn công dân của họ tìm hiểu về các cuộc biểu tình Hồng Kông.

Ông Zhang nói rằng chế độ Bắc Kinh lo sợ rằng các cuộc biểu tình Hồng Kông có thể gây ra hiệu ứng domino, khuyến khích người dân Trung Quốc đòi hỏi nhiều dân chủ hơn bên trong Trung Quốc Đại lục.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)