Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ không chỉ ảnh hưởng lớn đối với kinh tế Trung Quốc mà còn tác động mạnh vào cuộc đấu quyền lực trong giới chóp bu đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng có phân tích cho rằng quyền lực của Tập Cận Bình chưa bị ảnh hưởng, thậm chí còn được củng cố mạnh hơn nhờ cuộc chiến tranh thương mại này.

tập cận bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Shutterstock)

Leo thang chiến tranh thương mại trở thành lý do để Bắc Kinh tập trung quyền lực mạnh hơn

Ngày 11/10, tổ chức cố vấn Jamestown (Jamestown Foundation) của Mỹ đã tổ chức một hội thảo “Cuộc chiến thương mại đối với các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Ngày 13/10, VOA Mỹ đưa tin về trả lời phỏng vấn của nhà bình luận thời sự Lâm Hòa Lập (Willy Lam) là giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Trung văn Hồng Kông cho biết: Hồi tháng Bảy ông Tập Cận Bình từng “mất tích” vài ngày trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, tuy nhiên đến tháng Tám tình hình đã trở lại nằm trong quyền kiểm soát của ông Tập. Hiện nay ông Tập Cận Bình đã kiểm soát được quân đội và cảnh sát, vì vậy không có dấu hiện cho thấy có phe phái nào trong Đảng có khả năng thách thức được quyền lực của Tập Cận Bình.

Khi ông Tập Cận Bình đi công tác phía đông bắc Trung Quốc từ 25 – 28/9 đã phát biểu, viêc Mỹ ép Trung Quốc đi theo con đường tự lực cánh sinh không phải là điều xấu. Ông Tập nhấn mạnh rằng sự phát triển của Trung Quốc “cuối cùng cũng phải dựa vào chính mình”.

Nhìn lại thời ĐCSTQ mới xây dựng chính quyền, không chỉ bị khống chế của xã hội tự do phương Tây mà còn có sức ép mạnh từ Liên Xô. Khi đó, “tự lực cánh sinh” trở thành một phần quan trọng của tư tưởng Mao Trạch Đông, cũng là ngôn từ được thời Mao Trạch Đông cổ vũ, nhưng cuộc Đại Nhảy Vọt và Nạn đói lớn (1958 – 1961) đã là hình ảnh biểu tượng của tinh thần này.

Nhà bình luận thời sự Hồng Kông Willy Lam cho rằng, “Made in China 2025” bị phương Tây và Mỹ tấn công bởi họ cảm thấy nguy cơ mà Tập Cận Bình gây ra. “Made in China 2025” là một mục tiêu quan trọng của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Vì theo kế hoạch của ĐCSTQ, trước năm 2025 Trung Quốc sẽ cơ bản đạt được tự chủ trong một số ngành công nghiệp quan trọng như máy bay, chip máy tính và xe điện.

Ông Lâm cũng chỉ ra, nếu cuộc chiến thương mại leo ​​thang hơn nữa thì có thể lại là điều tốt đối với Tập Cận Bình, bởi vì điều này trở thành cái cớ củng cố vững hơn đối với xu thế tập trung quyền lực.

Willy Lam nói: “Theo truyền thống chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, trong lịch sử nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng triệt để thời cơ chủ nghĩa dân tộc dâng cao để tích cực duy trì quyền lực. Bất kể những đe dọa xuất phát từ Nhật Bản, Mỹ hay các nơi nào khác, người Trung Quốc càng có lý do để đoàn kết với nhau, đoàn kết 100% lấy Trung ương Đảng với Tập Cận Bình làm hạt nhân, điều này tạo điều kiện giúp cho ông Tập tập trung quyền lực và ngày càng mạnh hơn”. Ông nói: “Ông Tập Cận Bình sẽ tận dụng cơ hội này”.

Tờ New York Times ngày 29/09 chia sẻ bài viết của tác giả Hách Hải Uy (He Haiwei) cho biết, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc đẩy mạnh “tự lực cánh sinh” trước các tranh chấp thương mại Trung – Mỹ, đây là cơ hội để ông tái xây dựng hình ảnh dân túy và đáp trả “chính sách bảo hộ” của Tổng thống Trump.

Nhưng quan điểm “tự lực” cũng gây những lo ngại. Nhà bình luận thời sự Văn Chiêu (Wen Zhao) cho biết, ở một đất nước phong tỏa internet, trong môi trường mà giới trí thức bị bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt… thì mục tiêu này khá hoang tưởng và không phù hợp với logic lịch sử. Lịch sử của ĐCSTQ cũng đã chứng minh: bản thân tự lực cánh sinh chỉ có thể đảm bảo duy trì mức sống thấp trong điều kiện hạn chế, để có được lợi thế chiến lược trong cạnh tranh cần phải dựa vào sức mạnh quan hệ quốc tế.

Nghi vấn cuộc chiến thương mại làm nội bộ ĐCSTQ hỗn loạn: học giả Đài Loan cho rằng địa vị Tập Cận Bình vững vàng hơn

Ngày 11/10 Đài RFA Mỹ chỉ ra rằng chiến tranh thương mại Trung – Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ Cộng sản Trung Quốc kể từ khi được thành lập. Mối đe dọa này đã được phản ánh trong sự hỗn loạn nội bộ ĐCSTQ.

Nhưng thông tin dẫn ý kiến của cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Chong-Pin Lin của Đài Loan cho rằng, mặc dù cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ gây áp lực rất lớn trong nội bộ thì cũng không thể làm lung lay vị trí quyền lực của Tập Cận Bình. Việc kiểm soát nội bộ của ông Tập vẫn không thể lay chuyển.

Nguồn tin cũng dẫn trả lời ông Đinh Thụ Phạm (Arthur S. Ding) cựu Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc tế Đại học Chính trị, cũng cho biết rằng cho dù có những tiếng nói phản đối lẻ tẻ, nhưng những người gọi là đối thủ này chưa có khả năng tổ chức và sức kết nối lực lượng. Cho dù có một xu thế trong ĐCSTQ truyền bá những tin tức gây bất lợi cho Tập Cận Bình ra bên ngoài, nhưng thực tế thì tác động gây ra đối với quyền uy của ông Tập cũng không đáng kể.

Arthur S. Ding nói: “Trừ khi, bản thân Tập Cận Bình phạm một sai lầm rất nghiêm trọng nào đó”.

Bắt đầu từ tháng Bảy năm nay, dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, thêm vào không khí căng thẳng trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà như lệ thường khiến tình hình chính trị của Trung Quốc đã xuất hiện những hiện tượng bất thường: Tân Hoa xã bất ngờ đưa lại thông tin về cựu lãnh đạo Hoa Quốc Phong thừa nhận sai lầm, bị ám chỉ đến Tập Cận Bình; trong chương trình thời sự của Đài Trung ương Trung Quốc (CCTV) bất ngờ có người mặc đồ đen xông vào che ống kính, sau đó khi phát sóng đã loại bỏ các danh hiệu của Tập Cận Bình; trong một thời gian tờ Nhân dân Nhật báo tránh nhắc đến Tập Cận Bình. Cùng thời gian, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập tin đồn giới chức Bắc Kinh kêu gọi tháo bỏ tất cả các bảng hiệu có hình chân dung của Tập Cận Bình. Và dự án “Đại học vấn Lương Gia Hà” (nơi ông Tập Cận Bình đi lao động thời thơ ấu) của Học viện Khoa học Xã hội Thiểm Tây đã bị dừng lại.

Cư dân mạng cũng chia sẻ thông tin từ giới chính trị Bắc Kinh rằng, các trưởng lão kêu gọi triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng trước cuộc họp Bắc Đới Hà để thảo luận về “sai lầm lớn” mà giới lãnh đạo Bắc Kinh vi phạm, để giải quyết “vấn đề lãnh đạo quan trọng”. Cư dân mạng cũng chia sẻ nhiều tin đồn “đảo chính” đe dọa quyền lực của Tập Cận Bình.

Trong tháng Tám, sau khi ông Tập Cận Bình trở về Bắc Kinh từ Bắc Đới Hà, việc đầu tiên là tham gia cuộc họp xây dựng Đảng ngày 19/8 của Quân ủy Trung ương, tại hội nghị ông Tập nhấn mạnh toàn quân “kiên quyết tuân theo lệnh của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương”. Sau đó, ngày 21/8, ông Tập Cận Bình đã tham dự Hội nghị Công tác Tư tưởng tuyên truyền toàn quốc, tuyên bố rằng có “hai vấn đề đúng đắn” trong hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ phải xem lại.

Ngày 26/8 giới chức trách ĐCSTQ cũng ban hành “Điều lệ Xử lý kỷ luật” sửa đổi của Đảng, đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào trong nội dung của điều lệ này, nhấn mạnh vấn đề xử lý “phát tán tin đồn chính trị”“hành vi gây nguy hiểm cho tính thống nhất của ĐCSTQ”, tăng cường “xử lý hành vi không nhất quán đối với Trung ương Đảng trong các vấn đề quan trọng”.

Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) dẫn phân tích cho rằng, vì làn sóng tin đồn chính trị này đã làm suy yếu nghiêm trọng uy tín chính trị của Tập Cận Bình, còn hàng loạt hành động mạnh mẽ sau đó của Tập Cận Bình là một cuộc phản công dữ dội nhằm cho thế giới bên ngoài hiểu ông Tập vẫn nắm vững đại quyền, không kẻ nào đủ khả năng thách thức, ai dám lan truyền “tin đồn” hoặc thực hiện “chủ nghĩa bè phái” sẽ bị xử nghiêm.

Xu thế tôn sùng cá nhân Tập Cận Bình nóng trở lại, được cho là để đáp ứng thời kỳ đặc biệt chiến tranh thương mại

Một hiện tượng đáng chú ý là gần đây giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thúc đẩy việc nghiên cứu tư tưởng của Tập Cận Bình, hình thành trào lưu mới. Sau một thời gian ngắn ngủi thoái trào xu thế này vào hồi đầu mùa hè, hiện nay, xu thế sùng bái Tập Cận Bình hiện đang nóng trở lại. Trang tin Duowei News bị cáo buộc thân Bắc Kinh, đã trích lời một quan chức Trung Quốc cho biết xu thế tôn vinh Tập Cận Bình lần này khác với việc tuyên truyền tư tưởng Tập Cận Bình trước đó.

Ngay trong dịp cuộc chiến thương mại, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại bùng nổ tuyên truyền về Lương Gia Hà, nhấn mạnh ông Tập Cận Bình là “tấm gương sáng cho các du học sinh”. Nhiều cơ quan truyền thông tiếp tục nhấn mạnh các tư tưởng của Tập Cận Bình, những cuốn sách mà Tập Cận Bình yêu thích….

Kể từ tối 08/10, vào lúc 8 giờ, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) bắt đầu phát sóng liên tục 12 ngày chương trình đặc biệt giảng giải phân tích những phát biểu quan trọng của Tập Cận Bình. Chương trình cũng tìm lại hình ảnh của ông Tập Cận Bình thời Cách mạng Văn hóa đã về thôn Lương Gia Hà làm việc cùng thôn dân ra sao.

Ngày 12/10, Đài RFI dẫn lại phân tích của một lãnh đạo Nhân dân Nhật báo cho biết, hiện nay giới truyền thông các nơi nổi lên xu thế mới chưa có tiền lệ khi đưa tin về hoạt động của ông Tập Cận Bình, phong cách được xem là thủ đoạn chính trị để bảo vệ uy quyền của Trung ương Đảng với Tập Cận Bình là hạt nhân. Người phụ trách này còn cho rằng, “Trong bối cảnh xung đột thương mại Trung – Mỹ gia tăng, Bắc Kinh chú trọng nhấn mạnh về người lãnh đạo là phương pháp chính trị để tăng cường tình đoàn kết, vì thời kỳ khác thường phải có chiến lược khác thường”.

Trí Đạt

Xem thêm: