Phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông đã kéo dài hơn 3 tháng, thái độ của chính phủ Hồng Kông khiến cho người biểu tình vẫn quyết tâm tiếp tục tổ chức các hoạt động kháng nghị, vì thế cũng khiến tình hình kinh tế của Hồng Kông rơi vào nguy cơ suy thoái. Sóng ngầm trong ngành tài chính đang hình thành, các giới lo ngại sẽ có một thảm hoạ tài chính lớn hơn nữa. 

phản đối luật dẫn độ, biểu tình Hồng Kông
Người Hồng Kông diễu hành phản đối Dự luật dẫn độ hôm 18/8/2019. (Ảnh: Shutterstock)

Phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông đã kéo dài được hơn 3 tháng, cộng thêm xung kích do chiến tranh thương mại mang tới khiến tình hình Hồng Kông không hề ổn định. Mặc dù Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ, nhưng vẫn còn 4 yêu cầu khác của người Hồng Kông chưa được đáp ứng, do đó các cuộc kháng nghị vẫn tiếp tục bùng nổ. Thêm nữa, những hành vi bạo lực của cảnh sát Hồng Kông ngày càng leo thang cũng khiến cho các giới chỉ trích và lên án. Nhân sĩ trong ngành tài chính đã vẽ biểu đồ so sánh, cho thấy các hành vi của chính phủ Hồng Kông khiến mức độ thiệt hại kinh tế Hồng Kông tiếp tục xấu đi, thậm chí kinh tế rơi vào rủi ro suy thoái. Ảnh hưởng đến hình tượng quốc tế về thương mại, du lịch, tài chính của Hồng Kông; trong tháng 8, lượng khách du lịch đến Hồng Kông đã giảm mạnh 40%, ngành bán lẻ ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. 

Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) đưa tin hôm 15/9, lái xe Hà Chí Cường, chủ nhiệm phân đoàn Taxi thuộc Tổng Công đoàn giao thông vận tải Hồng Kông cho biết, hiện tại thu nhập hàng ngày của các tài xế giảm gần 30 – 50%. Ông lấy ví dụ bản thân mình, bình thường mỗi ngày ông có thể kiếm được 500 đến 600 Đô la Hồng Kông, nhưng hiện tại thu nhập giảm xuống 20 – 30%. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình ảm đạm này là do lượng du khách giảm, bên cạnh đó, người dân cũng ít ra ngoài mua sắm vui chơi, điều này cũng làm giảm lượng khách bản địa. 

Giao sư Lôi Đỉnh Minh (Francis T. Lu) thuộc khoa Kinh tế Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông cho rằng, lần sóng gió này đã tạo ra ảnh hưởng phá hoại cả phương diện ngắn hạn và dài hạn đối với kinh tế Hồng Kông, vượt xa phong trào “Chiếm trung” cách đây 5 năm. Chính phủ chỉ còn cách duy nhất là nhanh chóng làm dịu cơn sóng gió này thì kinh tế Hồng Kông mới phục hồi. 

Bloomberg News đưa tin, phong trào “Chiếm Trung” năm 2014 ảnh hưởng không lớn tới ngành tài chính Hồng Kông, nhưng lần này, phong trào kháng nghị kéo dài liên tiếp 3 tháng qua có thể khiến cho địa vị giàu có xuyên biên giới trong khu vực châu Á của Hồng Kông phải đối diện với thách thức lớn. Nguyên nhân bao gồm các yếu tố như tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp, quy mô hoạt động kháng nghị lớn, khách du lịch giảm và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Dù cho Hồng Kông không tiến hành kháng nghị, thì với chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm nhiệt và đồng Nhân dân tệ mất giá, cũng đều có khả năng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Hồng Kông.

Hugo Brennan, nhà phân tích khu vực châu Á thuộc công ty Tư vấn rủi ro toàn cầu Veritas Maplecroft nói: “Rủi ro chính trị liên quan đến sự vận hành của Hồng Kông đã lên mức cao chưa từng có trong lịch sử, tình hình không chỉ đơn giản như ‘hoa sớm nở tối tàn’; các nhà đầu tư đã bắt đầu nghi ngờ về lợi ích kinh tế ở khu vực này, và tìm kiếm một địa điểm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nền chính trị ổn định hơn.”

Hiện tại, để tránh tiền gửi ngân hàng bị ảnh hưởng khi chính quyền Bắc Kinh lựa chọn biện pháp cực đoan, ngày càng nhiều người Hồng Kông mở tài khoản ngân hàng nước ngoài, thị trường lo lắng sẽ xuất hiện hiện tượng nguồn tiền chảy ra nước ngoài. Nhiều người cho biết, mở tài khoản ở nước ngoài là vì để mua bảo hiểm cho tài sản cá nhân, hiện không lập tức chuyển tài sản ra nước ngoài, nhưng một khi có nhu cầu thì chỉ cần thao tác trên mạng là có thể chuyển tiền một cách dễ dàng. 

Hồng Kông thực thi chế độ bảo hiểm tiền gửi, chỉ cần gửi tiền ở ngân hàng Hồng Kông, một khi ngân hàng đóng cửa, người gửi tiền có thể nhận được bồi thường cao nhất là 500.000 Đô la Hồng Kông. Nhưng khoản tiền gửi lớn hơn 500.000 Đô la Hồng Kông thì sẽ không được đảm bảo. 

Ngày 16/9, trả lời câu hỏi của truyền thông, người đứng đầu Cục Quản lý Tài chính Hồng Kông, ông Trần Đức Lâm thừa nhận rằng hồ sơ tư vấn mở tài khoản nước ngoài đúng là có tăng, khách hàng cá biệt hoặc doanh nghiệp có lẽ sẽ chuyển nguồn tiền đi. Ông nhấn mạnh, hệ thống liên kết tỷ giá hối đoái giữa Đô la Hồng Kông và Đô la Mỹ vận hành ổn định, và chưa xuất hiện hiện tượng dòng tiền chảy ra ngoài một cách rõ ràng. 

Khi phong trào phản đối dự luật dẫn độ bùng nổ, tỷ phú ngành tài chính của Mỹ Kyle Bass từng cho biết, chỉ cần 4% – 5% người Hồng Kông rút tiền khỏi ngân hàng, có thể phá huỷ hệ thống tài chính Hồng Kông. Hệ thống ngân hàng Hồng Kông là một trong những khu vực có đòn bẩy cao nhất trên thế giới, chiếm gần 900% GDP. Hồng Kông chỉ cần có khoảng 4% – 5% người rút tiền khỏi ngân hàng thì có thể khiến cho hệ thống tài chính Hồng Kông sụp đổ. Kyle Bass nói, Hồng Kông là một trong những quả bom tài chính hẹn giờ lớn nhất trong lịch sử”, khủng hoảng chính trị phản đối dự luật dẫn độ đang xảy ra trên “quả bom hẹn giờ” này, sẽ khiến cho khó khăn tài chính của Hồng Kông thêm trầm trọng hơn. 

Theo FTV News đưa tin, nhà phân tích Vương Vinh Húc chỉ ra, “Nếu mọi người cùng rút tiền, đương nhiên sẽ gây ra mất mát về ngoại hối Hồng Kông và ngoại hối Đô la Mỹ.”

Chính phủ Hồng Kông không hồi đáp 4 yêu cầu của người dân, do đó phong trào phản đối dự luật vẫn sẽ tiếp tục. (Ảnh: )

Tương lai, trong lĩnh vực tài chính có lẽ sẽ có nhiều sự kiện xảy ra, nhà phân tích cho rằng, dưới sự hỗ trợ của chính quyền, mặc dù hiện tại không xuất hiện hiện tượng đồng loạt rút tiền, nhưng các giới vẫn lo lắng Hồng Kông sẽ trở thành thảm hoạ tài chính lớn nhất trong lịch sử, đầu tư nước ngoài phần lớn đều tháo chạy, và chuyển đến quốc gia khác. 

Thực tế, Hồng Kông là trung tâm tài chính quốc tế, các tài liệu cho thấy, quá khứ đã có 7 lần xảy ra sự kiện đồng loạt rút tiền. Ví dụ như năm 1989, sau sự kiện Thiên An Môn, người dân Hồng Kông tự phát rút tiền khỏi ngân hàng, người dân dùng các phương thức khác nhau để biểu đạt mất niềm tin vào chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Trí Đạt

Xem thêm: