Ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chính quyền các cấp tại nhiều nơi ở Trung Quốc đã hội nghị chính sách và diễn đàn doanh nghiệp nhằm chấn hưng kinh tế. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy doanh giới Trung Quốc có vẻ không mấy lạc quan, có nhận định trong quý II ước tính sẽ vẫn có làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc rời khỏi đất nước.

shutterstock 326960948
(Ảnh minh họa: 06photo/Shuttserstock)

Nhiều tỉnh thành Trung Quốc thúc đẩy chấn hưng kinh tế

Theo ghi nhận của Thời báo Chứng khoán Trung Quốc (STCN), nhiều tỉnh, thành phố nước này từ đầu năm nay đã triển khai các nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong năm.

– Ngày 28/1 tỉnh Quảng Đông đã tổ chức cái gọi là “Hội nghị Phát triển chất lượng cao”, tuyên bố rằng có hàng ngàn người cùng hơn 500 doanh nghiệp tham gia. Ông Bí thư Hoàng Côn Minh (Huang Kunming) của tỉnh Quảng Đông cho biết tại hội nghị rằng đã bố trí phát biểu cho các đại biểu của nhiều lĩnh vực và cơ quan khác nhau tại nhiều nơi, thể hiện tinh thần quyết tâm hành động.

– Ngày 29/1 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tô đã tổ chức họp để nghiên cứu công tác kinh tế và xã hội của tỉnh trong quý đầu tiên, theo đó cho hay “phải mang tính thực chất ngay từ khi bắt đầu nhiệm vụ”.

– Ngoài ra, nhiều tình thành khác như Chiết Giang, An Huy, Trùng Khánh… cũng đã lần lượt tổ chức nghị sự; các nơi khác như Thượng Hải, Giang Tô, Liêu Ninh cũng ban hành văn bản triển khai công tác kinh tế năm nay.

Điểm nhấn được biết, nhiều tỉnh phát đi tín hiệu “dồn toàn lực cho kinh tế”.

Doanh nhân Liu tại Quảng Đông nói với Epoch Times hôm 30/1 rằng gần đây, nhiều lãnh đạo chủ chốt tại chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức tọa đàm với doanh nhân. Nhưng ông cho rằng động thái không thể hy vọng có ý nghĩa gì, do uy tín của chính phủ giảm sút trong những năm gần đây, nhiều doanh nhân tham dự chỉ để theo dõi động thái và cũng là xuất hiện cho có mặt. Trên thực tế, nhiều chính sách không thể thực thi để mang lại lợi ích rõ cho doanh nghiệp, nhìn chung chỉ như ‘cưỡi ngựa xem hoa’.

Đối với tình hình mà dịch bệnh COVID-19 gây cho giới doanh nghiệp trong 3 năm qua, ông Liu cho biết các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế tổng thể vẫn do sản xuất và xuất khẩu chi phối; từ góc nhìn ngành điện tử tiêu dùng của ông, vào năm ngoái lượng đơn đặt hàng của nhà máy đã giảm ít nhất 40%, nhưng quan trọng là không có dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi.

Nhiều lĩnh vực có xu thế dịch chuyển dần sang Việt Nam và Ấn Độ

Những năm gần đây, giới đầu tư Trung Quốc có xu hướng dần dịch chuyển qua Việt Nam, họ thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp đóng giày, đồ gia dụng, công nghệ điện tử.

Theo Reuters, Tập đoàn Công nghệ BOE với thị trường lớn tại Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy tại Việt Nam nhằm cung cấp màn hình TV cho Samsung và LG Electronics. Nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn tại Trung Quốc là TCL (trụ sở chính tại Huệ Châu tỉnh Quảng Đông) gần đây đã xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam để mở rộng năng lực sản xuất TV màu; nhà sản xuất phụ kiện điện thoại di động Ugreen có niêm yết trên SHE cũng chịu áp lực chi phí khiến tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận chậm lại.

Một người làm truyền thông độc lập ở Bắc Kinh có tên Trương Hoa (Zhang Hua) nói với Epoch Times hôm 30/1 rằng nhiều hãng công nghệ khác cũng trong cảnh tương tự, từ năm 2022 đã có xu thế dịch chuyển dây chuyền sản xuất đến Việt Nam, một số nhà sản xuất đèn chiếu sáng ở Phật Sơn chuyển nhà máy đến cảng Phòng Thành (Fangcheng) – Quảng Tây tiếp giáp với Việt Nam.

Nhà bình luận Vương Hách (Wang He), người Hoa tại Mỹ, nói với Epoch Times hôm 30/1 rằng dịch bệnh kéo dài 3 năm đã tác động rất phức tạp đến nền kinh tế Trung Quốc. Thất bại của ‘Zero-COVID’ thể hiện nổi rõ qua việc công nhân Foxconn bỏ trốn khỏi xưởng đúc iPhone. Tháng 12 năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ đột ngột bỏ phong tỏa xã hội và tốc độ lây nhiễm COVID-19 sau đó cũng nhanh chóng tăng vọt, trong vòng 20 ngày tỷ lệ lây nhiễm nhiều nơi lên tới 80%, vượt xa tưởng tượng của thế giới.

Theo tờ Nikkei (Nhật Bản), do tính chất bấp bênh của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung cũng như cách chống dịch bệnh của nhà chức trách Trung Quốc, cuối năm ngoái Apple đã đẩy nhanh việc di dời chuỗi cung ứng sang Ấn Độ và Việt Nam. Tháng 5 năm nay, sản phẩm Pro/Air dòng MacBook sẽ được sản xuất tại Việt Nam bởi công ty mẹ Hon Hai của Foxconn, trong khi việc sản xuất iPhone được lên kế hoạch phân tán tại Ấn Độ.

Sẽ có làn sóng di cư mới ra nước ngoài?

Doanh nhân Liu cho hay, nỗ lực từ nhiều chính sách khiến nền kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay dự kiến ​​​​sẽ có được mức tăng trưởng vừa phải, giúp nhiều doanh nghiệp bình ổn được. Nhưng điều đó không ngăn được khả năng có không ít doanh nghiệp có thể đóng cửa trở lại trong thời gian khoảng tháng 5 – 6 của quý II.

Ông chia sẻ: “Vì sau khi nhà chức trách bỏ phong tỏa xã hội, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước có nguồn lực khách hàng nước ngoài, hoặc những chủ doanh nghiệp nào còn những ý tưởng đổi mới… có thể dần di dời nhà xưởng sang Đông Nam Á, theo đó xu thế đi nhiều hơn có thể là đến Việt Nam”; “Vì doanh nghiệp tư nhân gồm cả những doanh nghiệp có ‘yếu tố nhà nước’ cũng phải đi tìm kiếm lợi ích, đây là vấn đề này không chỉ đối với doanh nghiệp vốn nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia. Trong khi nhìn chung năm nay kinh tế Trung Quốc không lạc quan, không có điểm nhấn gì mới”.

Ông giải thích xu thế dịch chuyển nhiều qua Việt Nam vì dự đoán vì tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ còn cao hơn năm ngoái.

Cùng quan điểm, nhà bình luận Vương Hách phân tích rằng nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 sẽ rất khó khăn vì nhu cầu trong nước trì trệ, đầu tư chạm đáy và xuất nhập khẩu yếu. Lúc này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu muốn tồn tại thì phải nhanh chóng di dời cơ sở công nghiệp ra nước ngoài.

Ngoài ra, sự thật về số người Trung Quốc nhiễm và tử vong vì COVID-19 trong 3 năm qua bị chính quyền ĐCSTQ che giấu đã trở thành một biến số quan trọng khác ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Ông Vương Hách nhận định: “Một trong những biến số lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2023 là diễn biến của tình hình đại dịch COVID-19. Do tỷ lệ tử vong của COVID tại Trung Quốc rất cao, nếu nhà chức trách không có biện pháp kiểm soát được có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ di chuyển của doanh nghiệp trên quy mô lớn”.

Mâu thuẫn của thị trường việc làm Trung Quốc

Ông Liu cho biết thị trường việc làm của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với áp lực kép là “tìm việc khó” và “tuyển dụng khó”. Kỳ vọng về mức lương của một người đang tìm việc, chẳng hạn như lương tháng 8000, nếu nhà tuyển dụng trả 7000 – 7500 thì họ sẽ cân nhắc, nhưng nếu chỉ trả 5000 thì họ sẽ không muốn làm việc, đây là một trong những lý do khiến không ít người không tìm được công việc.

Nhưng đối với nhiều chủ doanh nghiệp, để tăng lương thì họ cần có lợi nhuận, ông Liu nói: “Vì vậy, nhìn chung mức lương mà các công ty trả được hiện nay là khoảng 3.000 – 5.000 nhân dân tệ là mức mà nhiều người không muốn làm. Ở những thành phố tuyến đầu như Quảng Châu, thuê một nơi ở khoảng 5 mét vuông mất 1200 tệ, thu nhập hàng tháng cơ bản chỉ đủ nuôi sống bản thân”.

Vấn đề mâu thuẫn nữa là người mới tốt nghiệp đại học thì chưa thể có kinh nghiệm sống, trong khi nhiều người có kinh nghiệm sống tốt nhưng trình độ học vấn chuyên môn lại hạn chế. Một người làm truyền thông độc lập than thở rằng vấn đề lớn đối với nền kinh tế và xã hội Trung Quốc là “những người trẻ tuổi bây giờ thực sự khó tìm việc làm!”.

Ông Liu cho biết xu thế sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc gia nhập hàng ngũ di cư, “Đa số những doanh nghiệp này có số lao động từ 300 – 500 hoặc 1000 – 2000 lao động, loại doanh nghiệp này chiếm đa số ở Trung Quốc, nếu xu thế dịch chuyển của họ phổ biến thì sẽ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc”.