Một trong số vấn đề gây lo ngại của Luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông là khả năng xuất hiện những cơ quan an ninh mới trong thành phố, hay những cáo buộc cứng nhắc sẽ được sử dụng để chống lại các nhà hoạt động xã hội. Bên cạnh động thái của chính phủ trung ương, lãnh đạo đặc khu vẫn hy vọng xây dựng luật an ninh quốc gia riêng theo Điều 23 về Luật Cơ bản.

Embed from Getty Images

Trong một vụ ‘đánh bom’ chính trị gây xôn xao dư luận đối với Hồng Kông, Bắc Kinh đã quyết định vượt quyền Hội đồng Lập pháp của thành phố, tự thảo ra dự luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông. Đạo luật mới được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ngày càng tăng, làm dấy lên quan ngại về số phận của chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. 

Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời liên quan đến dự luật gây tranh cãi. 

1/ Dự thảo luật về điều gì?

Theo nghị quyết của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), đạo luật mới hướng tới việc ngăn chặn và trừng trị các hành động đe dọa an ninh quốc gia, nhắm vào 4 tội chính: chia rẽ quốc gia, lật đổ chính quyền, hoạt động khủng bố và can thiệp từ nước ngoài..

NPC cũng nêu bật trách nhiệm của lãnh đạo Hồng Kông trong việc bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách triển khai các chương trình giáo dục về vấn đề này, cấm các hành vi đe doạ an ninh quốc gia, và thường xuyên gửi báo cáo cho chính quyền trung ương.

2/ Ai sẽ thực thi đạo luật?

Điều này còn chưa rõ ràng, nhưng  nghị quyết đã quy định rằng các cơ quan phụ trách an ninh quốc gia có liên quan ở Bắc Kinh khi cần thiết có thể thành lập những tổ chức ở Hồng Kông, ám chỉ các cơ quan ở Đại lục có thể có quyền hành pháp trong thành phố.

Ip Kwok-him, một nghị sĩ NPC, cho rằng việc xuất hiện của các cơ quan Đại lục là điều cần thiết. “Nếu có sự can thiệp từ nước ngoài, đó không phải là điều mà các ban ngành Hồng Kông có thể tự giải quyết,” ông nói.

3/ Bộ luật sẽ được ban hành thế nào và khi nào sẽ ban hành?

Theo Điều 18 Luật Cơ bản, luật quốc gia chỉ có thể được thi hành tại Hồng Kông nếu chúng được đăng trong Phụ lục III của Bản Hiến pháp nhỏ và có liên quan tới quốc phòng, đối ngoại, hay “các vấn đề khác ngoài giới hạn tự trị” của thành phố. Các điều luật quốc gia khi ấy có thể được thi hành (có hiệu lực tự động), hoặc thông qua qua cơ quan lập pháp địa phương. Bắc kinh đã lựa chọn cách thứ nhất, bỏ qua cơ quan lập pháp thành phố.

NPC dự kiến bỏ phiếu về nghị quyết tại cuối phiên họp thường niên, có thể vào ngày 28/5. Nghị quyết sau đó sẽ được chuyển cho Uỷ ban thường vụ NPC, nơi sẽ xây dựng các chi tiết của đạo luật. Sau đó Bản dự thảo sẽ được trình bày trong cuộc họp của Uỷ ban thường vụ vào đầu tháng Sáu. 

Tam Yiu-chung, đại diện duy nhất của Hồng Kông tại Uỷ ban thường vụ của NPC, cho biết thường sẽ mất một hoặc hai cuộc họp kéo dài cả tuần để thông qua một đạo luật, nghĩa là nó có thể được thông qua vào tháng Sáu hoặc tháng Tám.

4/ Mối quan tâm chính của các nhà phê bình là gì? 

Bằng cách ban hành luật an ninh quốc gia qua thông báo chính thức, các chính trị gia đối lập nói rằng không còn cơ hội để thảo luận hoặc đàm phán tại Hồng Kông về việc đạo luật nên dự thảo như thế nào. Họ cảnh báo đạo luật sẽ giống lời tuyên bố về sự chấm dứt của chính sách “một quốc gia, hai chế độ,” khi nó cho phép Bắc Kinh đưa vào một hệ thống luật mới và không được kiểm soát ở Hồng Kông.

Nhà dân chủ kỳ cựu Lee Cheuk-yan đã bày tỏ sự lo ngại rằng các tội ác như lật đổ có thể được sử dụng một cách tuỳ tiện như một cáo buộc chung chung để chống lại các nhà hoạt động xã hội. Ông chỉ ra cách Bắc Kinh sử dụng luật an ninh quốc gia hiện hữu để kiểm soát những người bất đồng chính kiến ở Đại lục, như trường hợp người được giải Nobel Hòa bình đã quá cố Lưu Hiểu Ba. Ông đã bị kết án 11 năm tù giam vào năm 2009 vì tội “kích động lật đổ.”

Nhiều phòng thương mại quốc tế – gồm cả phòng thương mại Mỹ tại Hồng Kông – đã cảnh báo luật mới sẽ đặt thành phố với vị thế một trung tâm tài chính toàn cầu vào tình trạng nguy hiểm.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cảnh báo: “Âm mưu này nhằm ép buộc thông qua các quy định an ninh thô bạo, đã đặt ra mối đe dọa sống còn cho việc cai trị bằng luật pháp tại Hồng Kông, đây là thời điểm đáng ngại cho nhân quyền ở thành phố.”

Freedom House: Luật An ninh – hồi chuông báo tử cho nền tự do Hồng Kông

5/ Vì sao Hồng Kông không ban hành luật an ninh quốc gia của riêng họ kể từ khi bàn giao?

Điều 23 Luật Cơ bản, có vai trò như văn bản hiến pháp của thành phố, yêu cầu chính quyền Hồng Kông tự ban hành luật an ninh quốc gia của riêng họ.

Tuy nhiên, nỗ lực để hợp pháp hóa Điều 23 vào năm 2003 đã bị từ bỏ sau khi nửa triệu người đã xuống đường biểu tình khi lo ngại nó có thể tước quyền và tự do của họ. Chính quyền Hồng Kông từ đó vẫn luôn tìm cách đưa Điều 23 vào, với việc nhà lãnh đạo đương nhiệm Carrie Lam liên tục đề cập đến sự cần thiết có “một môi trường thuận lợi” để xử lý các vấn đề gây tranh cãi.

6/ Vì sao Bắc Kinh thúc đẩy Luật an ninh quốc gia dù biết nó có thể gây ra phản ứng dữ dội?

Đạo luật mới ra đời sau gần một năm chứng kiến những biến động xã hội chưa từng có tại Hồng Kông. Khởi đầu bằng dự luật dẫn độ hiện đã bị huỷ bỏ, tiếp sau đó là những cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng dữ dội từ tháng Sáu năm ngoái. Các chính trị gia và người biểu tình cũng vận động hỗ trợ quốc tế thông qua những chuyến đi nước ngoài và các chiến dịch trực tuyến, khiến Bắc Kinh giận dữ, cho rằng đó là một hình thức can thiệp của bên ngoài.

Vào tháng 11 năm 2019, Mỹ đã ký thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ, cho phép Washington đình chỉ quy chế thương mại đặc biệt của Hồng Kông dựa trên chứng nhận hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ, xác định liệu thành phố có giữ được mức độ tự chủ đầy đủ trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” hay không. Cuối tháng này, Mỹ sẽ lần đầu tiên đưa ra quyết định về vấn đề này. 

Tại Hồng Kông, khối ủng hộ dân chủ đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố vào tháng 11 vừa qua. Họ đã vận động cho chiến dịch “thêm 35” để chiếm quyền kiểm soát hội đồng luật pháp gồm 70 thành viên trong cuộc bầu cử tháng Chín, chặn đứng tất cả các đạo luật do chính quyền thân Bắc Kinh đưa ra.

 Trước bối cảnh đó, Bắc Kinh đã quyết định nổ súng trước, tuyên bố phải can thiệp vào vì chính quyền địa phương không thể tự ban hành đạo luật trong khi tình hình “đang ngày càng xấu đi”.

7/ Hồng Kông có cần xây dựng luật an ninh quốc gia mới của riêng họ dựa trên Điều 23?

Theo nghị quyết của NPC, câu trả lời là có. Chính quyền địa phương vẫn có trách nhiệm lập hiến để ban hành Điều 23 càng sớm càng tốt, và rằng điều luật không thể mâu thuẫn với bản dự thảo của Bắc Kinh.

Điều 23 tuyên bố rằng luật an ninh quốc gia nghiêm cấm những hành vi “phản quốc, ly khai, xúi giục nổi loạn, lật đổ chính truyền trung ương của nhân dân, hoặc đánh cắp bí mật quốc gia” cũng như ngăn chặn “các tổ chức hay cơ quan chính trị của khu vực thiết lập các mối quan hệ với các tổ chức hoặc cơ quan chính trị nước ngoài.”

Còn dự luật do Bắc Kinh quy định cấm những hành vi ly khai, lật đổ, can thiệp nước ngoài và khủng bố. Trong đó, “khủng bố” không được quy định trong Điều 23, ngụ ý rằng các hành vi phản quốc, nổi loạn và ăn cắp bí mật quốc gia vẫn còn là những vấn đề tồn tại cần phải giải quyết.

Giáo sư Simon Young Ngai-man, hiệu phó trường Luật, Đại học Hồng Kông, mô tả việc ban hành luật an ninh quốc gia là đáng báo động, cho rằng nó làm xói mòn ý nghĩa hoàn chỉnh của luật là “những yêu cầu trong Điều 23 phải được ban hành bởi chính Hồng Kông và không bị chính quyền trung ương áp đặt từ trên xuống”.

Điều đó có thể chỉ là cách giải thích vì sao Bắc Kinh không ngừng nói luật an ninh của họ là khác với Điều 23.

Các nhà hoạt động xã hội đang lo ngại rằng cựu lãnh đạo “phong trào Ô dù” Joshua Wong, Tổng thư ký Đảng Demosisto Hồng Kông, sẽ là mục tiêu của luật an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh đưa ra.

Người Hồng Kông tải VPN tăng mạnh sau khi có thông tin về Luật An ninh

8/ Ai có thể bị tác động bởi luật mới?

Hồng Kông từ lâu là nơi duy nhất trên đất Trung Quốc tổ chức lễ cầu nguyện hàng năm quy mô lớn tưởng niệm cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Nhà tổ chức lễ cầu nguyện, Liên minh Hồng Kông Ủng hộ Phong trào Dân chủ yêu nước ở Trung Quốc, đã kêu gọi chấm dứt chế độ cai trị độc đảng trong nhiều năm.

Các nhà hoạt động xã hội của thành phố đang bi quan về việc có được phép tiếp tục tồn tại dưới luật an ninh quốc gia mới đệ trình.

 “Một vài khẩu hiệu, như là kêu gọi chấm dứt cai trị độc đảng ở Trung Quốc, sẽ dẫm lên lằn ranh đỏ,” nhà lập pháp Tanya Chan, người tổ chức của khối, nói. “Việc ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc bị bỏ tù vì tội lật đổ cũng có thể trở nên nguy hiểm.” 

Bà Chan cũng cảnh báo dự luật mới này có thể được sử dụng để cấm các nhà hoạt động đối lập chạy đua trong các kỳ bầu cử địa phương. “Liệu các nhà làm luật và những ứng cử viên đã hô các khẩu hiệu [chống ĐCSTQ] sẽ bị loại?”

Dự luật mới được cho là còn tước bỏ sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ và chính quyền nước ngoài đối với các hoạt động tại Hồng Kông.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: