Khởi phát từ một vài luật sư Trung Quốc nổi tiếng như Quách Quốc Đinh, Cao Trí Thịnh, vào những năm đầu thế kỷ 21, các luật sư chính nghĩa bắt đầu đứng ra bảo vệ cho các tù nhân lương tâm (những người bị bắt giam vì bất đồng chính kiến hoặc vì đức tin của họ), bất chấp các cuộc đàn áp nhắm vào tín ngưỡng và tôn giáo tại quốc gia này. Nhưng tại Trung Quốc, trở thành luật sư nhân quyền là một việc nguy hiểm. Nhiều luật sư đã phải hy sinh cả sự nghiệp, cuộc sống gia đình, và tự do của bản thân để bảo vệ lẽ phải.

Nhằm biện hộ cho hành động đàn áp tín ngưỡng của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) duy trì một danh sách các tôn giáo bị cấm, và thường khép tội các tín đồ vào điều 300 của Bộ luật hình sự Trung Quốc. Tuy nhiên, do tự do tôn giáo và tín ngưỡng là một quyền của người dân được ghi trong hiến pháp, nên tại nhiều phiên tòa trong suốt các năm qua, các luật sư nhân quyền vẫn thường phủ định cách khép tội này, biện hộ rằng đó là vi hiến.

Truyền thống đứng ra bảo vệ tù nhân lương tâm của các luật sư Trung Quốc bắt đầu từ những năm 2005, 2006, dẫn đầu bởi Cao Trí Thịnh, một trong mười luật sư nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Cao đã dũng cảm gửi thư ngỏ tới lãnh đạo Trung Quốc, công khai chỉ trích cuộc đàn áp Pháp Luân Công là vi phạm hiến pháp và nhân quyền nghiêm trọng. Cao bị bắt, bị tước bỏ giấy phép luật sư, và vợ con bị quản thúc tại gia.

Tuy nhiên Cao Trí Thịnh đã khởi phát một làn sóng nhân quyền ủng hộ tại Hồng Kông và trên khắp thế giới. Trái ngược với mong muốn của nhà cầm quyền, ảnh hưởng của Cao lan rộng. Tiếp bước Cao, cuối tháng 4 năm 2007, tại thành phố Thạch Gia Trang, 6 luật sư đã bất chấp sự đe dọa từ chế độ và có một phiên bào chữa lịch sử về tự do tín ngưỡng cho người tập Pháp Luân Công trước một tòa án tại Trung Quốc. Kể từ đó cho đến nay, nhiều luật sư nhân quyền chính nghĩa đã đứng ra bào chữa cho tù nhân lương tâm, bao gồm cả những người theo Kitô giáo, Hồi giáo, v.v..

Luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh - Kỳ cuối: Một di sản về lòng nhẫn nại và dũng khí
Một số luật sư nhân quyền tiên phong, dám vượt qua rào cản của Đảng Cộng sản Trung Quốc và lên tiếng cho các tù nhân lương tâm.

Nhằm ngăn chặn các luật sư nhần quyền, ĐCSTQ đã ban hành các tài liệu mật, trong đó tuyên bố các luật sư không thể biện hộ vô tội tại tòa cho các thân chủ bị kết án vì tin vào các tôn giáo bị cấm. Ngày 15/1/2020, tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin, họ đã tiếp cận được với một số tài liệu mật này.

Một tài liệu ban hành vào năm 2018 của một chính quyền địa phương tại Hà Nam đã yêu cầu các cơ quan tư pháp phải tăng cường chỉ đạo và giám sát các luật sư đang bào chữa cho các tín đồ của các môn phái bị gán nhãn “tà giáo”, và có biện pháp ngăn chặn các luật sư nhân quyền “tấn công” vào “hệ thống chính trị xã hội” của Trung Quốc.

Một tài liệu được ban hành vào năm 2019 của một chính quyền địa phương ở phía đông bắc tỉnh Cát Lâm, đã ra lệnh “kiên quyết cấm luật sư nhân quyền biện hộ vô tội cho các bị cáo tà giáo” và ngăn các luật sư không được “gây rối trong các phiên toà”, và xử lý nghiêm các luật sư “gây rối trật tự” trong phiên toà.

Ông Vương, một luật sư hiện đang hoạt động tại Đại lục bình luận với Bitter Winter:

Điều gì được coi là “gây rối tại các phiên tòa”? Về cơ bản, việc bào chữa hay biện hộ vô tội cho các tín đồ, hay chỉ trích hệ thống pháp lý đầy vấn nạn ở Trung Quốc, đều sẽ bị xem là cản trở chính quyền kết án những người có đức tin. Trong suốt cuộc đàn áp 709, nhiều luật sư nhân quyền đã bị bắt vì đã biện hộ cho người tập Pháp Luân Công và các tín đồ của tôn giáo khác.

Cuộc đàn áp 709 diễn ra vào ngày 9/7/2015, trong đó ít nhất 248 luật sư nhân quyền và nhà hoạt động đã bị bắt. Một số bị kết án tù vì “âm mưu lật đổ chính quyền” hay “gây rối trật tự tại tòa”.

Cuối năm 2019, cảnh sát Trung Quốc lại tiếp tục bắt giữ hoặc thẩm vấn rất nhiều luật sư và các nhà hoạt động dân chủ. Đây được xem là một cuộc đàn áp 709 thứ hai.

Chịu áp lực từ chính sách của ĐCSTQ, nhiều luật sư đã từ chối bào chữa cho các tín đồ tôn giáo, và những người dám nhận bào chữa sẽ bị hạn chế tới mức việc bào chữa trở nên vô hiệu. Trong nhiều phiên tòa, các tín đồ phải tự đứng ra bào chữa cho bản thân, vì luật sư của họ không được phép lên tiếng.

Một luật sư từ tỉnh Chiết Giang chia sẻ với Bitter Winter: “Dưới thời Tập Cận Bình, nhiều hoạt động bắt giữ chống lại những người có đức tin được thực hiện. Chính phủ muốn xử nặng một vài tín đồ bằng việc kết án tù giam với thời gian dài để răn đe. Nhiệm vụ này đã được giao phó cho chính quyền các cấp ở khắp nơi trên Đại lục. Thời hạn tù sẽ không được giảm, bất kể luật sư bào chữa cho họ như thế nào hoặc gia đình cố gắng giúp đỡ họ như thế nào. Quyết định cuối cùng về bản án nằm ở chính phủ.”

Luật sư nhân quyền Trung Quốc bị cấm bào chữa cho tù nhân lương tâm
Một phiên tòa xử tín đồ Kitô giáo tại Tòa án nhân dân khu Hoài Thượng, thành phố Bạng Phụ, tỉnh An Huy. (Ảnh: Bitter Winter)

Thay vì bào chữa, nhiều luật sư đã thuyết phục các tín đồ nhận tội. Thậm chí do bị đe dọa, các luật sư còn tìm mọi cách để thuyết phục các tín đồ từ bỏ đức tin.

“Khi họ từ chối ký vào ba cam kết (cam kết thú tội, cam kết chỉ trích tôn giáo của mình, và cam kết từ bỏ tôn giáo) đồng nghĩa với việc họ từ chối quyền được bào chữa vô tội và có thể dẫn tới án phạt nặng nề 3 năm tù. Có luật sư hay không cũng không ăn thua”, luật sư Vương nói với Bitter Winter.

Trong nhiều trường hợp, gia đình của các tín đồ không được thông báo về các phiên tòa xét xử, cũng như không được tham gia phiên tòa hay thăm thân trong tù. Mẹ của một tín đồ Kitô giáo bị đàn áp đã nói với Bitter Winter rằng: “Kiểu gì cũng bị kết án, thì thuê luật sư có ích gì chứ? Có tiền cũng chẳng làm được gì vì thời hạn kháng cáo đã hết.” Nửa năm sau khi con gái bị tuyên án, bà mới nhận được tin con gái bà bị phạt tù ba năm. Đây là chuyện thường ở Trung Quốc, và trái hoàn toàn với công ước quốc tế về luật tố tụng.

Minh Nhật