Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ không ngừng leo thang và kinh tế Trung Quốc đang trên đà suy thoái, ngày 10/6 vừa qua, chính quyền Trung Quốc tuyên bố tỷ lệ thất nghiệp theo Khảo sát đô thị quốc gia của nước này cuối năm 2018 ở mức 4,9%, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng tỷ lệ này không phản ánh chân thực tình hình việc làm tại Trung Quốc, con số thực tế có tế cao hơn nhiều.

hoi cho viec lam tq 1
Hội chợ việc làm tổ chức tại Đại học Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh minh họa từ sdnews)

Tỷ lệ thất nghiệp Trung Quốc cuối năm 2018 không phản ánh đúng thực trạng

Báo “Thanh niên Bắc Kinh” ngày 10/6 đưa tin, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội ban hành “Thông cáo thống kê về tình hình phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội năm 2018”. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp qua cuộc khảo sát đô thị quốc gia vào cuối năm 2018 là 4,9%.

Theo thông cáo, cuối năm 2018, trên toàn quốc khoảng 775,86 triệu người có việc làm, trong đó có 433,19 triệu lao động tại đô thị. Số người thất nghiệp đăng ký tại khu đô thị là 9,74 triệu người, và tỷ lệ thất nghiệp đăng ký ở thành thị là 3,80%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp khảo sát khu vực đô thị toàn quốc là 4,9%.

Tuy nhiên, ngoại giới cho rằng số liệu trên không thể phản ánh đúng thực trạng việc làm ở Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp theo khảo sát đô thị quốc gia không bao gồm các khu vực nông thôn, do đó không thể phản ánh đầy đủ thực trạng thất nghiệp của lực lượng lao động chủ lực Trung Quốc – nhóm lao động tha hương.

Đáng chú ý, tình hình thất nghiệp của Trung Quốc có thể được nhìn thấy từ mức độ chú ý của ban lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ.

Ngày 22/5, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành văn kiện, trong đó thông báo thành lập “Tiểu ban lãnh đạo Công tác về vấn đề việc làm thuộc Quốc vụ viện” do Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa dẫn đầu, trong đó cam kết sẽ “không để tình trạng thất nghiệp diễn ra trên quy mô lớn”.

Trước đó, ngày 13/5 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong Hội nghị việc làm các trường đại học Trung Quốc tuyên bố quốc gia này đang phải “đối mặt với tình huống cực kỳ phức tạp và nghiêm trọng, cần tuân thủ chính sách ưu tiên việc làm”.

Trong kỳ họp “Lưỡng hội” năm nay của ĐCSTQ, ông Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh “ổn định việc làm” là mục tiêu hàng đầu trong các chính sách ổn định (ổn định việc làm, ổn định tài chính, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư và ổn định dự báo). Điều này cho thấy tình hình việc làm ở Trung Quốc đã rơi vào tình trạng hết sức ảm đạm.

Nhiều kênh truyền thông nước ngoài còn đưa tin, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến tốc độ rút vốn đầu tư nước ngoài được đẩy nhanh, hàng loạt nhà máy lớn ở Trung Quốc phải đóng cửa, ngay cả những hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc cũng sa thải lượng lớn nhân viên.

Từ khoá “tìm việc làm” năm 2019 tăng gấp 10 lần so với các năm trước

Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc thống kê, từ tháng 1 đến tháng 2/2019, tần suất tìm kiếm từ khóa “tìm việc làm” tăng vọt, lượng tìm kiếm hàng ngày hơn 270.000, lượt gấp 10 lần lượng tìm kiếm trong những năm qua.

Mới đây, Bloomberg cũng dẫn thống kê của Baidu cho thấy tần suất tìm kiếm từ khóa “tìm việc làm” hồi tháng 4/2019 cũng tăng vọt lên mức cao nhất suốt nhiều năm qua.

Theo nhận định của ngoại giới, tình trạng này phản ánh nhu cầu tìm việc làm tăng mạnh. Và để lý giải nguyên nhân tại sao số lượng người tìm việc tăng đột biến, các giải thích hợp lý nhất chính là có nhiều người mất việc vẫn chưa tìm được công việc mới.

ĐCSTQ uy hiếp các công ty nước ngoài không được rút vốn

Tờ New York Times đưa tin, vào hai ngày 4 và 5/6 tuần trước, chính phủ Trung Quốc triệu tập người đứng đầu các hãng công nghệ lớn của Mỹ cũng như các quốc gia khác đến tham dự cuộc họp do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia tổ chức. Các quan chức của Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cũng có mặt trong sự kiện.

Theo bài báo, các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Dell, ARM, Nokia, Cisco, Samsung và SK đều có đại diện cao cấp đến tham gia cuộc họp.

Bài báo còn dẫn nguồn tin giấu tên, tiết lộ các quan chức của chính quyền Trung Quốc gây áp lực yêu cầu các công ty nước ngoài không được tuân theo lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đối với Huawei, đồng thời không cho phép họ thoái vốn. Phía quan chức Trung Quốc còn trực tiếp cảnh cáo những người tham gia, nếu các doanh nghiệp này muốn rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc thì sẽ có thể bị xử phạt.

Cuộc chiến thương mại đã khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ thoái vốn, từ đó dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc. Có học giả cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp thực tế phải lớn gấp 3 lần so với con số chính thức mà chính quyền Bắc Kinh công bố.

Hồi đầu năm nay, kênh truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin, cuộc chiến thương mại khiến cho khoảng 5 triệu công ty Trung Quốc phải đóng cửa, và số lượng người thất nghiệp cũng không ngừng tăng lên.

Hiện tại, Trung Quốc có khoảng 100 triệu lao động trong ngành sản xuất hàng xuất khẩu. Nếu như thương mại xuất khẩu bị ảnh hưởng, không chỉ 100 triệu lao động này, mà còn người nhà của họ cũng sẽ rơi vào tình trạng khốn khó, tổng số người chịu ảnh hưởng có thể lên đến 400 triệu người.

Một số nhà bình luận tin rằng, ĐCSTQ thực sự sợ phải đối diện với suy thoái kinh tế và tác động của cuộc chiến thương mại. Nếu không thể xử tốt, tình trạng việc làm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thống trị của chính quyền ĐCSTQ.

Minh Ngọc

Xem thêm: