Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm Chủ Nhật (13/10) đã cảnh báo rằng những kẻ ủng hộ độc lập tại bất kỳ nơi đâu ở Trung Quốc sẽ bị nghiền nát. Phát biểu cứng rắn này của ông Tập được cho là nhằm mục đích nhắm vào các điểm nóng bất ổn có nguy cơ ly khai khỏi Trung Quốc từ Tây Tạng, Tân Cương cho tới Hồng Kông.

Embed from Getty Images

Lời đe dọa đàn áp những người cố gắng ly khai khỏi Trung Quốc nêu trên được ông Tập đưa ra trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nepal hôm 13/10 và được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.

Bất kỳ ai nỗ lực chia rẽ Trung Quốc tại bất kỳ nơi đâu trong đất nước này sẽ kết thúc với cơ thể bị nghiền nát và xương bị vỡ vụn. Và bất cứ lực lượng bên ngoài nào ủng hộ những nỗ lực chia rẽ Trung Quốc như vậy sẽ bị người dân Trung Quốc coi là mơ tưởng hão huyền,” CCTV dẫn lời ông Tập nói với lãnh đạo Nepal.

Phát biểu của ông Tập tại Nepal – quốc gia Himalayan, gần Tây Tạng được cho là nhắm trực tiếp vào phong trào ly khai của vùng lãnh thổ đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ những năm 1950. Theo Nam Hoa Tảo báo, những nhà hoạt động đòi độc lập cho Tây Tạng đã tổ chức biểu tình phản đối chuyến thăm Nepal của ông Tập Cận Bình, nhưng đã bị chính quyền Nepal trấn áp.

Ngoại giới nhận định rằng lời đe dọa cứng rắn của ông Tập cũng hướng tới Tân Cương và đặc biệt là phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ đã kéo dài gần 4 tháng ở Hồng Kông.

Theo BBC, hôm Chủ Nhật (13/10), nhiều cuộc tập trung hòa bình của người dân Hồng Kông đã bị cảnh sát trấn áp và trở thành các cuộc xung đột giữa người biểu tình và lực lượng chấp pháp.

Cảnh sát Hồng Kông cho biết họ đã sử dụng “lực lượng nhỏ” để giải tán biểu tình, nhưng các cảnh quay trên truyền hình cho thấy rằng nhiều người mua sắm cuối tuần bị bắt giữ trong hỗn loạn. Cảnh quay chỉ ra một số người la hét và dường như bị thương khi cảnh sát xông vào một trung tâm mua sắm để trấn áp người biểu tình.

Tính tới nay, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ hơn 2.300 người biểu tình và khoảng 1/3 trong số đó là người dưới 18 tuổi.

Nam Hoa Tảo báo dẫn lời học giả Shi Yinhong của Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định: “Tình hình hiện tại ở Hồng Kông là nghiêm trọng, và [cảnh báo của ông Tập] là nhắm vào Mỹ và các lực lượng trực tiếp và gián tiếp khác đang đứng sau bạo lực cực đoan tại Hồng Kông.

Ông Lin Minwang từ Trung tâm Ngiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán nói với Nam Hoa Tảo báo rằng phát biểu của ông Tập tại Nepal là cảnh báo kép.

Nó không chỉ là lặp lại lập trường của Trung Quốc chống lại bất kỳ nỗ lực chia rẽ Tây Tạng khỏi Trung Quốc, mà cũng là cảnh báo tới Mỹ không được can thiệp vào các vấn đề nội bộ khác của Trung Quốc, chẳng hạn như vấn đề Hồng Kông,” ông Lin Minwang nói.

Giáo sư Lau Siu-kai, phó chủ tịch của Hiệp hội Trung Quốc về Nghiên cứu Hồng Kông và Ma Cao – nhóm tư vấn bán chính thức, cho rằng những phát ngôn của ông Tập đã phản ánh quyết tâm của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn chủ nghĩa ly khai ở bất cứ đâu, bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan.

Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc là nguồn chính cho tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. [Do đó] họ sẽ không đưa ra bất kỳ thỏa hiệp nào về vấn đề này,” Giáo sư Lau nói.

Bắc Kinh sẽ kiên quyết hỗ trợ chính quyền [Đặc khu] Hồng Kông hành động cứng rắn với các cuộc biểu tình,” ông Lau khẳng định.

Xuân Thành

Xem thêm: