Dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Hồ Bắc vô cùng nghiêm trọng. Khải Thường, đạo diễn của bộ phim “Âm Tượng Bộ” do Hãng phim điện ảnh Hồ Bắc sản xuất, đã qua đời vào ngày 14/2 vì ‘viêm phổi Vũ Hán’.

20200217092237347
Ảnh của cố đạo diễn Thường Khải hãng phim Hồ Bắc (Ảnh: internet)

Gần đây Hãng phim Hồ Bắc đã xác nhận thông tin về cái chết của đạo diễn Thường Khải, đồng thời đăng cáo phó, ông và chị gái mình đã qua đời vào ngày 14/2, cha mẹ ông lần lượt qua đời vào ngày 27/1 và ngày 2/2. Chỉ trong vòng 17 ngày ngắn ngủi, cả gia đình 4 người lần lượt qua đời.

Sau đó trên mạng lan truyền bức di thư của ông Thường Khải, nói rằng cả nhà ông vốn định tổ chức đại tiệc tất niên tại nhà hàng, nhưng buộc phải hủy bỏ, đành phải ở nhà nấu nướng, cùng hưởng bữa cơm gia đình ấm áp. Nhưng hôm sau vào ngày mùng Một đầu năm (ngày 25/1/2020), cha ông xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở. Họ từng tìm tới nhiều bệnh viện xin được chữa trị, nhưng đều bị bệnh viện từ chối vì không còn giường trống. Ông cũng cầu cứu nhiều nơi nhưng vẫn “một giường khó kiếm, vô cùng thất vọng, về nhà tự cứu”. Ngày 27/1 “Cha già ôm hận buông tay cõi người”, tiếp đó mẹ ông vì quá đau lòng cũng nhiễm bệnh mà “đi theo lão phụ”.

Bức di thư được cho là của ông Thường Khải viết rằng trong quá trình ông và vợ chăm sóc song thân, cũng không may nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’, lại “quanh quẩn khắp các bệnh viện khóc lóc van xin, hiềm nỗi thấp cổ bé họng, giường trống khó tìm, tới khi bệnh ngấm vào thân, lỡ mất thời cơ trị liệu, đành lay lắt trong hơi thở thoi thóp.”

Hiện giờ vợ của Thường Khải vẫn đang nhiễm bệnh, con trai ông đang ở nước Anh xa xôi. Trước khi lâm chung, Thường Khải nói với vợ và người thân, bè bạn rằng: “Vĩnh biệt! Người tôi yêu và người yêu tôi”.

0ce5613109b9494f9a5d44d93975493c
Bức di thư được cho là của ông Thường Khải

Một kênh thông tấn của Trung Quốc đã dẫn lại lời “đồng nghiệp của Thường Khải” nói rằng sáng sớm ngày 3/2, cha của ông qua đời tại nhà, ngày 2/2 khi khu dân cư tại địa phương cử người tới thăm hỏi cha của Thường Khải, thì mọi chuyện xảy ra quá muộn, không kịp chữa trị. Mẹ ông sau đó được thu nhận chữa trị tại bệnh viện Vũ Xương và qua đời vào ngày 8/2. Ngày 4/2, bản thân Thường Khải cũng cảm thấy thân thể khó chịu, chiều tối ngày 9/2, ông được đưa tới Bệnh viện Nhân dân khu Hoàng Pha.

Có kênh truyền thông phân tích rằng điều này chứng tỏ cha của Thường Khải không hề được nằm viện, ông và mẹ mình tới khi bệnh nặng mới được đưa vào nhập viện.

Ngày 17/2, “Apple Daily” cho biết, thông tin Thường Khải qua đời được lan truyền nhanh chóng tại Đại Lục, lọt vào danh sách tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo, nhưng sau đó đã buộc phải xóa bỏ.

Không ít cư dân mạng đồng cảm với cảnh ngộ của gia đình ông Thường Khải: “Ông cả đời làm con có hiếu, làm cha tận hết trách nhiệm, làm chồng yêu thương vợ, làm người rất mực chân thành…… Cái chết của họ, khiến người ta bất giác phải rơi lệ, thương tiếc khóc than.”

Về việc người nhà Thường Khải chết vì không tìm được giường bệnh và được trị liệu, không ít cư dân mạng đều cho rằng Thường Khải đã có địa vị nhất định tại Trung Quốc, lại có khả năng đưa con trai đi du học tại nước ngoài, cũng được coi là giai cấp trung lưu. Thế nhưng gia đình ông vẫn gặp phải cảnh ngộ như thế này, nên hoài nghi “Một gia đình như vậy mà còn xảy ra bi kịch thế này, có thể hình dung ra những gia đình nghèo khó hơn sẽ tuyệt vọng tới mức nào…”, “Sau khi trận dịch này qua đi, biết bao gia đình phải tan vỡ chia ly… thực quá đau lòng…”

Cũng có cư dân mạng đem ngọn nguồn của chuyện này hướng tới việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc che giấu dịch bệnh, dốc toàn lực giữ vững ổn định chính trị, “Một đám quan viên vô dụng trong Chính phủ! Chỉ biết làm quan, không biết chăm lo cho bách tính!”, “Trưởng phòng cách ly phải có phòng riêng, người qua đường ngồi đợi cả nhà cùng chết!”

Có cư dân mạng cảm khái bày tỏ, cái chết của Thường Khải là do “chết vì chính trị, chết vì lừa dối”.

Lê Minh