Trung Quốc đang quyết tâm thúc đẩy đầu tư công nghệ để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tiếp tục thực hiện những mục tiêu đặt ra trước đó trong chương trình “Made in China 2025” (“Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”).

 

made in china 2
Ảnh từ internet

Trong nỗ lực trở thành lãnh đạo toàn cầu về công nghệ, Bắc Kinh đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ NDT (1,4 nghìn tỷ USD) trong vòng sáu năm đến năm 2025, kêu gọi chính quyền các thành phố và những gã khổng lồ công nghệ như Huawei Technologies thiết lập hệ thống không dây 5G, lắp đặt các camera và cảm biến, và phát triển phần mềm trí thông minh nhân tạo (AI) làm nền móng cho tự động hóa hoạt động sản xuất và giám sát đại chúng quy mô lớn.

Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới này được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp khổng lồ của đất nước, từ Tập đoàn Alibaba và Huawei đến Tập đoàn SenseTime để cạnh tranh với các công ty Mỹ, theo đó làm giảm mức độ phụ thuộc của Trung Quốc đối với công nghệ nước ngoài, đồng thời củng cố thêm tầm nhìn của kế hoạch “Made in China 2025”. 

Động thái mới này ngay lập tức thu hút sự chú ý cũng như vấp phải những ý kiến chỉ trích mạnh từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với việc Mỹ thắt chặt kiểm soát sự trỗi dậy của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei.

“Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây, Trung Quốc đang khởi động nhằm giành thắng lợi trong cuộc đua công nghệ toàn cầu,” bà Maria Kwok, giám đốc điều hành của Digital China Holdings, cho biết. “Từ đầu năm nay, chúng tôi thực sự bắt đầu thấy dòng tiền chảy mạnh vào lĩnh vực công nghệ.”

Nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ công bố gói tín dụng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ trị giá 563 tỷ USD vào năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế Đại lục chịu các tổn thất nặng nề nhất vì đại dịch COVID-19 kể từ thời đại Mao.

Alibaba, công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn nhất của đất nước, sở hữu SCMP; và Tencent Holdings dự kiến sẽ trở thành những trụ cột chính cho tham vọng sắp tới. Trung Quốc đã uỷ thác cho Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, phát triển mạng 5G. Các lãnh đạo công nghệ như Pony Ma Huateng và Jack Ma đều đang tham gia chương trình.

Công ty của bà Maria Kwok – nhà cung cấp các hệ thống tích hợp thông tin công nghệ được chính phủ hỗ trợ, nằm trong số nhiều công ty đang chớp lấy cơ hội này. Tại Quảng Châu, công ty Digital China đang đưa nửa triệu căn hộ lên mạng để giới thiệu, bao gồm một khu phức hợp rộng bằng 3/4 kích cỡ của Công viên Trung tâm ở thành phố New York. Để tìm kiếm một căn hộ, người dùng chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng, quét khuôn mặt và xác định danh tính của họ. Việc thuê mướn có thể được ký bằng chữ ký số qua điện thoại thông minh và đơn vị cho thuê sẽ tự động nhắc nhở nếu tiền thuê bị trả chậm.

Lưỡng Hội bế mạc. 600 triệu người Trung Quốc vẫn nghèo

Nhưng Trung Quốc vẫn nổi tiếng với các kế hoạch sâu rộng có giá trị đầu tư khổng lồ nhưng thu lại được chẳng là bao. Không có gì đảm bảo rằng những chương trình này sẽ mang đến sự trẻ hoá cho nền kinh tế như lời hứa của những người đề xướng. Tuy vậy, không như những nỗ lực trước đây nhằm hồi sinh nền kinh tế chỉ với cầu và đường, hạ tầng kỹ thuật số mới được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc phát triển những công nghệ tiên tiến.

“Kế hoạch kích thích mới của Trung Quốc có thể dẫn đến việc hợp nhất các nhà cung cấp internet và dẫn đến sự xuất hiện của một số công ty lớn hơn có khả năng cạnh tranh với các tên tuổi hàng đầu như GE và Siemens,” Nanman Kou, trưởng nhóm nghiên cứu tại Bloomberg NEF, nói trong một báo cáo. “Một dự đoán là trên những nền tảng ứng dụng internet vạn vật (IoT) trong công nghiệp, Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng ba công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2025.”

10 nghìn tỷ NDT mà Trung Quốc ước tính chi từ nay đến năm 2025 bao trùm các lĩnh vực mũi nhọn như AI và IoT, cũng như đường điện cao thế và đường sắt cao tốc. Hơn 20 trong số 31 tỉnh thành của Trung Quốc Đại lục đã thông báo nhiều dự án với tổng giá trị trên 1 nghìn tỷ NDT, trong đó vốn tư nhân chiếm tỷ trọng lớn.

Theo ước tính riêng của Morgan Stanley, Trung Quốc sẽ đầu tư 180 tỷ USD mỗi năm trong 11 năm tới, tương đương 1.980 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng mới. Con số này sẽ gần gấp đôi mức trung bình ba năm qua. Nhờ vậy, những công ty hưởng lợi nhiều nhất có thể kể đến là China Tower Corp, Alibaba, GDS Holdings, Quanta Computer và Eclech Co.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp Mỹ sẽ khó lòng hưởng lợi trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ này, thậm chí với một số trường hợp, công việc kinh doanh hiện hữu sẽ biến mất.

Đầu năm nay, hãng cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Trung Quốc China Mobile đã trao các hợp đồng lắp đặt trạm 5G cho Huawei và các công ty Trung Quốc khác, trị giá tới 37 tỷ NDT. Trong khi đó, hãng Ericsson của Thuỵ Điển chỉ nhận được hơn 10% thương vụ trong bốn tháng đầu tiên. Tại một dự án khác, Digital China được chọn để phát triển hạ tầng điện toán đám mây cho thành phố Trường Xuân bằng công nghệ nội địa, thay vì chọn IBM, Oracle hay EMC.

Một phân khúc quan trọng trong phát triển hạ tầng mới sẽ diễn ra trong các trung tâm dữ liệu. Hơn 20 tỉnh thành tại Trung Quốc đã công bố các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.

Tony Yu, giám đốc điều hành của nhà sản xuất máy chủ Trung Quốc H3C, cho biết ông nhận thấy nhu cầu dịch vụ trung tâm dữ liệu của một số công ty Internet hàng đầu đất nước đang tăng đáng kể.

ChinData Group ước tính 1 USD chi cho các trung tâm dữ liệu sẽ tạo ra khoản đầu tư từ 5 đến 10 USD vào các lĩnh vực liên quan, bao gồm hạ tầng mạng, lưới điện và sản xuất thiết bị tiên tiến.

Tuy vậy, vẫn có những quan ngại về việc liệu chiến lược dài hạn này có mang đến những động lực lớn hay không, và tiền sẽ đến từ đâu. 

Zhu Tian, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc châu Âu tại Thượng Hải, cho biết “chỉ riêng hạ tầng mới không có khả năng làm trụ đỡ cho nền kinh tế Trung Quốc.” 

Tuy vậy, Digital China tin tưởng rằng các dự án tiếp theo từ sáng kiến nhà ở của họ tại Quảng Châu sẽ tạo ra doanh thu 30 triệu NDT cho công ty. Họ cũng hy vọng sẽ nhân rộng nỗ lực đó với chính quyền tỉnh Cát Lâm, nơi có các dự án trị giá 3,3 tỷ NDT được phê duyệt. Kế hoạch bao gồm xây dựng trung tâm kỹ thuật số cho thành phố, kết nối cơ sở dữ liệu gồm giao thông, trường học và các vấn đề dân sự như đăng ký kết hôn. “Khái niệm về thành phố thông minh đã được đề cập nhiều năm qua, nhưng giờ chúng ta mới thấy có sự đầu tư”, bà Kwok nói.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: