Ngày 25 – 27/4/2019, Bắc Kinh sẽ tổ chức Diễn đàn Hợp tác quốc tế “Một vành đai, Một con đường” lần thứ hai, được biết, lãnh đạo của gần 40 quốc gia sẽ tham dự diễn đàn này. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều nước, đặc biệt là các nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương biểu thị sự bất an đối với “Một vành đai, Một con đường”, có nước thậm chí hủy bỏ hoặc thu nhỏ quy mô nhận đầu tư. Mới đây, một trung tâm nghiên cứu tại Mỹ đã công bố báo cáo cho biết, những bất an này bắt nguồn từ những lo lắng về hàng loạt các rủi ro mà “Một vành đai, Một con đường” mang đến.

vành đai con đường
(Ảnh minh họa từ Shutterstock)

Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) gần đây đã công bố báo cáo chỉ ra, “Một vành đai, Một con đường” không chỉ khởi xướng về kinh tế, mà nó còn là công cụ quan trọng thúc đẩy dã tâm địa chính trị của Trung Quốc. Những lo lắng của các nước nhận đầu tư từ “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc được phân thành các rủi ro lớn như  sau:

Chủ quyền quốc gia bị xâm chiếm

Báo cáo chỉ ra, Trung Quốc thông qua “Một vành đai, Một con đường” đem đến rủi ro đầu tiên cho các nước nhận đầu tư, đó là chủ quyền quốc gia bị xâm chiếm. Báo cáo nói, công ty Trung Quốc thông qua tài trợ vốn và các hợp đồng kinh doanh cho thuê dài hạn lên đến hàng thập kỷ, từ đó có được quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng thuộc “Một vành đai, Một con đường”.

Công ty Trung Quốc có được các cơ sở hạ tầng này, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng quan trọng, ví dụ như quyền vận hành kinh doanh đập thủy điện, không chỉ khiến cho các cuộc đàm phán liên quan biến thành phức tạp, mà cũng sẽ dẫn đến sức ảnh hưởng chính trị và dựa dẫm lâu dài vào họ. Trong một số tình huống, công ty Trung Quốc vận hành kinh doanh và kiểm soát dự án thuộc “Một vành đai, Một con đường” lên đến 99 năm. Cảng Hambantota của Sri Lanka là một ví dụ điển hình, công ty Trung Quốc có quyền kiểm soát cảng này lên đến 99 năm.

Tháng 12/2017, chính phủ Sri Lanka đã giao quyền quản lý cảng chiến lược Hambantota cho công ty Trung Quốc qua hình thức cho thuê với thời gian lên 99 năm. Nhiều nhà phê bình cho rằng, Sri Lanka đã phải trả một cái giá là mất đi chủ quyền.

Daniel Kliman – Nhà nghiên cứu cấp cao về các dự án an ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ, cũng là một trong những tác giả của báo cáo này. Trả lời phỏng vấn của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, ông nói, “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc về sau này đã gây nên sự phản kháng ở các nước Nam Á, sự phản kháng này cũng có liên quan rất lớn đến sự kiện cảng Hambantota bị Trung Quốc kiểm soát.

Ông nói: “Cảng Hambantota là ví dụ rõ ràng nhất. Sri Lanka không có cách nào vận hành cảng này, do đó phải gánh một khoản nợ khổng lồ. Đến khi chính phủ mới của Sri Lanka nắm quyền, mặc dù mong muốn giữ khoảng cách nhất định với Trung Quốc, nhưng họ không thể không tiến hành trao đổi nợ với Trung Quốc, từ đó mất đi một bộ phận chủ quyền. Tôi nghĩ, đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với rất nhiều nước tại châu Á. Họ ý thức được sự đầu tư của ‘Một vành đai, Một con đường’ có thể sẽ dẫn đến mất chủ quyền.”

Hiện tại, các cảng biển ở nước ngoài được công ty Trung Quốc vận hành còn có cảng biển lớn nhất của Hy Lap là cảng Pireas. Bên cạnh đó, theo hợp đồng, công ty Trung Quốc cũng sẽ có quyền vận hành kinh doanh 25 năm đối với cảng Haifa của Israel.

Thiếu minh bạch

Báo cáo cho rằng, “Một vành đai, Một con đường” mang đến rủi ro lớn thứ hai, đó là không minh bạch. Rất nhiều dự án thuộc “Một vành đai, Một con đường” có quy trình đấu thầu và các điều khoản không minh bạch. Báo cáo nói, như thế sẽ tạo thành một kết quả, đó chính là người dân của nước nhận đầu tư không cách nào yêu cầu người lãnh đạo chính trị của họ chịu trách nhiệm với dự án.

Quá trình đấu thầu dự án không minh bạch đều xuất hiện ở rất nhiều nước tham gia, trong đó có Malaysia, Sri Lanka, Nepal, Bangladesh, Maldives, Kenya, Uganda, Zambia, Venezuela và Ecuador, v.v.

Ngay cả đồng minh Pakistan của Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về sự độ minh bạch trong điều hành dự án, và đã yêu cầu đàm phán lại. Chính phủ hiện giờ của Pakistan do đảng Chính nghĩa cầm quyền, họ từng chỉ trích cựu Thủ tướng Nawaz Sharif rằng ông không rõ ràng trong đàm phán với Trung Quốc, và nhận hối lộ từ chính phủ Trung Quốc, khiến cho các cam kết có liên quan đến “Một vành đai, Một con đường” có xu hướng nghiêng về Trung Quốc hơn.

Gánh nặng nợ không bền vững

Báo cáo nói, rủi ro vi phạm cam kết nợ hoặc khó khăn trong trả nợ là rủi ro thứ ba mà “Một vành đai, Một con đường” mang đến. Theo đó, một số dự án đã hoàn thành nhưng lại không thể tạo ra thu nhập, khiến cho người ta cảm giác khoản đầu tư với số vốn khổng lồ ban đầu là không đáng.

Do nguyên nhân nói trên, có người miêu tả “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc là “bẫy nợ”.

Một bản báo cáo hồi tháng 3 năm ngoái của Trung tâm Phát triển toàn cầu (Center for Global Development) tại Mỹ có nói, 8 nước tham gia vào “Một vành đai, Một con đường” bao gồm Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan đều đang đối mặt với rủi ro khủng hoảng nợ, trong đó có một số nước nợ trung Quốc với khoản nợ chiếm đến một nửa hoặc hơn một nửa tổng số nợ nước ngoài.

Báo cáo còn nói, nếu bất cứ một nước nào trong số các nước này không thể quản lý nợ một cách hiệu quả, thì Trung Quốc sẽ có được địa vị mạnh mẽ, ảnh hưởng đến các quyết sách của họ, thậm chí là có quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Do vấn đề nợ, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Nepal, Pakistan, Myanmar và Bangladesh đều đã hủy bỏ hoặc thu nhỏ các dự án có vốn đầu tư cao từ Trung Quốc.

Báo cáo nói, trong các dự án đã hoàn thành, nhiều dự án không thể tạo thu nhập như dự tính, một số quốc gia cũng vì thế mà ngập trong nợ. Sri Lanka vì không thể trả nợ, nên đành phải cho Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm. Đầu tư của Trung Quốc tại Venezuela và Ecuador đều lấy sản phẩm thương mại của 2 nước này làm thế chấp và đảm bảo. Rất nhiều nước phát triển đã từ bỏ kiểu đầu tư này, bởi vì nó giống như mô hình thực dân.

>>Sập ‘bẫy nợ’: Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm

Rời xa nhu cầu kinh tế địa phương

Báo cáo nói, rất nhiều nước nhận đầu tư đã phê bình dự án “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc là ngày càng rời xa sự phát triển kinh tế của địa phương. Trong nhiều tình huống, sự đầu tư của Bắc Kinh quy định rõ ràng là phải thuê công ty Trung Quốc và lao động Trung Quốc. Dự án trưng thu đất đai địa phương, nhưng trong vận hành về sau này lại do công ty Trung Quốc vận hành kinh doanh, như thế sẽ ngăn cản chuyển giao kỹ thuật cho lao động địa phương.

Một báo cáo nghiên cứu của Công ty McKinsey & Company hồi năm 2017 có nói, một số chức vụ hành chính trong doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc tại châu Phi đều chỉ tuyển người Trung Quốc. Cách làm của Trung Quốc thậm chí còn khiến cho nước có quan hệ mật thiết với Trung Quốc như Lào và Pakistan không hài lòng. Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra, sự phân chia lợi nhuận của một số dự án cũng không được bình đẳng. Rất nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Phi của Trung Quốc nhìn có vẻ như để khai phá một cách hữu hiệu tài nguyên thương mại tại địa phương, và giúp cho các tài nguyên này được xuất khẩu sang Trung Quốc một cách thuận lợi hơn.

Rủi ro về địa chính trị

Báo cáo nói, “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc cũng mang đến rủi ro về địa chính trị cho nước nhận đầu tư. Ngày càng có nhiều nước lo lắng, các dự án do công ty Trung Quốc đầu tư, xây dựng và vận hành có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của nước nhận đầu tư, hoặc trực tiếp đặt nước này vào sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và nước khác.

Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm, đã làm Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ lo lắng. Ngoài ra, khoản nợ mà Maldives nợ Trung Quốc cũng gia tăng, Bangladesh ban đầu quan tâm đến Trung Quốc giúp xây dựng cảng nước sâu đầu tiên, đều khiến Ấn Độ lo lắng, những nước này cuối cùng sẽ chấp nhận cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc ven bờ biển giáp Ấn Độ.

Tại Việt Nam, người dân thậm chí còn phải đối vì rủi ro mà những dự án này mang lại. Việt Nam có kế hoạch xây dựng 3 đặc khu kinh tế ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam, 3 đặc khu kinh tế này ban đầu được cho là sẽ cho nhà đầu tư nước ngoài thuê 99 năm, trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc, do đó mới dẫn đến sự kháng nghị của người dân.

>>Kyrgyzstan bùng nổ biểu tình chống Trung Quốc vì “Vành đai và Con đường”

Ảnh hưởng xấu tới môi trường

Lo lắng ảnh hưởng xấu về môi trường mà “Một vành đai, Một con đường” mang tới cũng ngày càng gia tăng. CNAS nói rằng, trong một số tình huống, nhiều dự án thuộc “Một vành đai, Một con đường” được tiến hành khởi công khi chưa tiến hành đánh giá một cách thích đáng về ảnh hưởng đến môi trường, một số dự án thậm chí còn liên quan đến hối lộ để vượt qua vòng đánh giá ảnh hưởng tới môi trường.

Một phần nguyên nhân mà Myanmar dừng dự án xây dựng đập Myitsone chính là vì lo lắng ảnh hưởng tới môi trường. Bên cạnh đó, dự án đường sắt tại Indonesia cũng không vượt qua được đánh giá tác động đến môi trường.

Một số dự án đã phá hoại nghiêm trọng môi trường. Thành phố cảng Colombo của Sri Lanka là dự án được phát triển bởi Tập đoàn kiến thiết giao thông Trung Quốc và Cục Cảng vụ quốc gia Sri Lanka. Tuy nhiên, dự án này đã bị dừng lại vào năm 2015, bởi vì nó đã hủy hoại khoảng 281 km đường bờ biển, ảnh hưởng đến sinh kế của 80 nghìn hộ gia đình ngư dân bám biển.

Được biết, Bắc Kinh không muốn trừng phạt những công ty phá hoại môi trường kia; nếu như nước nhận đầu tư không có quy định đầy đủ về tiêu chuẩn đối với môi trường, thì công ty Trung Quốc cũng không chú ý đến ảnh hưởng môi trường. Trong một số tình huống, dù dự án có môi trường phát triển tương đối bền vững, cũng sẽ tạo thành tác động lớn hơn so với dự tính.

>>”Vành đai và con đường” mang đến nguy cơ cho môi trường sinh thái ở Kazakhstan

Tham nhũng và hối lộ

Báo cáo nói, tại một số quốc gia tồn tại “chế độ đạo tặc”, tức là kẻ thống trị và giai cấp thống trị lợi dụng quyền lực chính trị để bành trướng, xâm chiếm tài sản và quyền lực của người dân, để làm tăng tài lực và quyền lực của mình, “Một vành đai, Một con đường” thông thường có liên quan đến hối lộ các nhân vật chính trị và quan chức địa phương. Vì nguyên nhân này, một số dự án không đem lại lợi ích về tài chính và môi trường nhưng lại được phê chuẩn. Trong tuyên bố về nguyên tắc của “Một vành đai, Một con đường” không nhắc đến vấn đề tham nhũng, công ty Trung Quốc ở nước ngoài cũng không bị trừng phạt vì hành vi liên quan đến hối lộ. Trong vài năm qua, có chứng cứ cho thấy, rất nhiều dự án thuộc “Một vành đai, Một con đường” đều xuất hiện hiện tượng tham nhũng, hối lộ.

Tháng 1/2018, vì hối lộ quan chức chính phủ, nên công ty China Harbor Engineering Company bị chính phủ Bangladesh liệt vào danh sách đen, trong tương lai, công ty này sẽ không được phép tham gia vào bất cứ dự án xây dựng nào của Bangladesh.

Một trong những nhà thầu xây dựng quan trọng của “Một vành đai, Một con đường” là Công ty Xây dựng viễn thông Trung Quốc, từng bị cáo buộc hối lộ tại các nước Malaysia, Philippines, Guinea Xích đạo.

Một số dự án ở Malaysia có giá trong hợp đồng cao hơn thực tế, bởi vì khoản tiền chênh lệch giúp dễ dàng che đậy các khoản tiền bị chiếm đoạt bởi các quan chức cấp cao.

Báo cáo nói, tại Sri Lanka, công ty Trung Quốc trực tiếp hối lộ người nhà của cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Tại Guinea Xích đạo, công ty Trung Quốc hối lộ con trai Tổng thống và hối lộ Phó Tổng thống số tiền lên đến hàng triệu Đô la Mỹ. Tại Ecuador, cựu Thủ tướng nước này bị cáo buộc nhận hối lộ của công ty Trung Quốc và bị điều tra. Tại Pakistan, dự án “Một vành đai, Một con đường” đã bị dừng vì lo ngại tham nhũng.

>>Kenya truy tố 3 người Trung Quốc liên quan đến hối lộ dự án “Vành đai và Con đường”

“Con đường tơ lụa điện tử” có nguy cơ xuất khẩu giám sát công nghệ cao

Cuối cùng báo cáo nhấn mạnh, trọng điểm của dự án “Một vành đai, Một con đường” hiện đang chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ số, bởi nó trợ giúp cho Trung Quốc xuất khẩu hệ thống công nghệ giám sát trong nước sang nước khác, nước nhận đầu tư có thể sẽ đối mặt với rủi ro bị lộ thông tin.

Ông Daniel Kliman, một trong những tác giả của báo cáo nói, điều đáng quan tâm nhất là, liệu Trung Quốc có đem những công nghệ giám sát này xuất khẩu ra nước ngoài hay không? Dù sao, Trung Quốc không chỉ có cân nhắc về địa chính trị của “Một vành đai, Một con đường”, mà cũng thông qua nó để xuất khẩu giá trị quan của mình.

Báo cáo cũng đã tiến hành đánh giá 10 dự án của Trung Quốc ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, Trung và Nam Á và các quốc đảo Thái Bình Dương; phát hiện những dự án này đều tồn tại những rủi ro được nói ở trên. Ví dụ, báo cáo cho rằng trong một dự án quan trọng thuộc “Một vành đai, Một con đường” tại Ecuador, dự án công trình đập Coca Codo Sinclare có tồn tại rất nhiều rủi ro như vấn đề xâm thực chủ quyền, cũng có vấn đề đề độ minh bạch đấu thầu, nợ không bền vững, xa rời kinh tế địa phương, ảnh hưởng đến môi trường và tham nhũng hỗi lộ, v.v.

Theo VOA

Xem thêm: